Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

Trọng tài bóng đá là gì? Khái niệm, quy định, vai trò và trách nhiệm của trọng tài trong trận đấu

Ngày đăng: 29/06/2024

Mục lục bài viết

Trong bóng đá, trọng tài là một phần không thể thiếu trong mỗi trận đấu bên cạnh màn trình diễn của các cầu thủ. Trọng tài có thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến và kết quả trận đấu, từ đó góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho môn thể thao vua

1. Khái niệm và tầm quan trọng của trọng tài

Trọng tài là người chịu trách nhiệm điều khiển và quản lý trận đấu, đảm bảo luật bóng đá được thực thi để mang tới tính công bằng trong việc phân xử các tình huống trên sân. Họ có quyền ra quyết định cuối cùng về một tình huống trong trận đấu mà các cầu thủ trên sân không thể can thiệp hoặc thay đổi. 

Trọng tài đóng vai trò quan trọng để đảm bảo tính công bằng và minh bạch cho các trận đấu bóng đá. Các quyết định từ trọng tài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng của trận đấu. Họ có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá mọi tình huống xảy ra trên sân, từ những pha va chạm nhỏ đến những quả penalty quyết định. 

2. Có những loại trọng tài nào trong trận đấu bóng đá ?

Để điều khiển và kiểm soát các trận đấu, mỗi trận cầu sẽ có các trọng tài thực hiện nhiệm vụ giám sát và thực thi các điều lệ trong luật bóng đá. Trong các trận đấu chính thức, một tổ trọng tài sẽ bao gồm: 

  • Trọng tài chính: Là người chịu trách nhiệm chính trong việc điều khiển trận đấu và quyết định các tình huống bóng diễn ra trên sân. Khi trận đấu xuất hiện tình huống phạm luật, trọng tài sẽ nhận định tình huống và đưa ra quyết định dựa trên các điều trong bộ luật bóng đá. Tuỳ vào mức độ vi phạm, trọng tài chính có thể đưa ra các mức độ xử phạt như nhắc nhở, thẻ vàng hay thẻ đỏ.
  • Trọng tài biên: Trọng tài biên sẽ di chuyển dọc đường biên ngang để hỗ trợ trọng tài chính trong việc xác định việt vị, ném biên, phạt góc hay phạm lỗi và từ đó căng cờ báo hiệu. Trọng tài biên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tình huống vượt ra ngoài tầm nhìn của trọng tài chính.
  • Trọng tài thứ 4: Trọng tài thứ 4 thường thực hiện các công việc hành chính bên ngoài đường biên, bao gồm việc quản lý các khu vực kỹ thuật và thay người, giữ một bản dự phòng chứa thông tin về tỷ số, thẻ đỏ và thẻ vàng, hiển thị thông báo thời gian đá bù giờ cho khán giả. Ngoài ra, trọng tài thứ 4 cũng có thể kiểm soát các hành vi từ ban huấn luyện các đội bóng để trọng tài chính tập chung cho trận đấu.
  • Trọng tài VAR: Trong các trận đấu, trọng tài điều khiển phòng VAR sẽ ở trong phòng kỹ thuật để hỗ trợ trọng tài chính đưa ra quyết định chính xác. Các trọng tài VAR sẽ phân tích video quay chậm và từ đó đưa ra khuyến nghị cho trọng tài chính. 

3. Trách nhiệm của các trọng tài trong bóng đá

Các quyết định từ ban trọng tài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến cũng như cục diện của trận đấu. Do đó, trách nhiệm của các trọng tài đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo tính công bằng khi trận đấu diễn ra. 

3.1 Áp dụng luật bóng đá, đảm bảo trận đấu diễn ra theo đúng luật và quy định

Để đảm bảo trận đấu diễn ra theo đúng nguyên tắc và quy định, các trọng tài có trách nhiệm giám sát và thực thi các điều lệ trong luật bóng đá như:

  • Theo dõi thời gian thi đấu và liên tục báo cáo tình hình diễn biến trận đấu cho các trợ lý.
  • Tuân thủ đúng thời gian thi đấu theo quy định. (Bao gồm thời gian bắt đầu trận đấu, số phút thi đấu mỗi hiệp, thời gian nghỉ giữa giờ)
  • Kiểm tra trang phục của từng cầu thủ theo đúng quy định.
  • Thống kê số lần nhận thẻ đỏ, thẻ vàng của mỗi đội và số lần phạm lỗi của từng cầu thủ.
  • Quan sát tình trạng sức khỏe và đảm bảo an toàn cho từng cầu thủ trong quá trình thi đấu.
  • Tính toán thời gian bù giờ cuối mỗi hiệp đấu.
  • Đảm bảo tính công bằng giữa hai đội bóng.

3.2 Duy trì trật tự, kiểm soát hành vi của cầu thủ, huấn luyện viên và khán giả

Trong bóng đá, vai trò của trọng tài là rất quan trọng để duy trì trật tự trên sân. Trọng tài phải kiểm soát và quản lý toàn bộ trận đấu từ đầu đến cuối. Điều này bao gồm hành vi của các cầu thủ, ban huấn luyện, thời gian thi đấu và thực hiện các quyết định liên quan đến luật lệ.

Khi xuất hiện tình huống hỗn loạn trên sân, trọng tài phải giải quyết mọi tranh cãi giữa các cầu thủ hoặc giữa cầu thủ và ban huấn luyện một cách công bằng và có hiệu quả. Họ cũng cần xử lý các tình huống xô đẩy, cãi vã và bạo lực trên sân. Trọng tài phải đảm bảo an toàn cho tất cả các cầu thủ trong suốt trận đấu. Họ cần can thiệp để ngăn chặn các hành vi nguy hiểm hoặc bạo lực từ các cầu thủ.

3.3 Ra quyết định: Phán xét các tình huống trên sân, sử dụng thẻ vàng và thẻ đỏ nếu cần thiết

Trong quá trình diễn ra trận đấu, trọng tài có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng trong các pha bóng giữa cầu thủ đôi bên. Điều này có thể bao gồm các tình huống như tranh chấp, phạm lỗi, quyền ném biên, phạt góc, phép lợi thế, phạt đền, công nhận bàn thắng hợp lệ hoặc ngược lại,...

Đối với các tình huống phạm lỗi hoặc vi phạm quy tắc, trọng tài có thể dựa vào tình huống để đưa ra hình thức xử phạt. Các mức phạt sẽ tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của pha bóng. Trọng tài có thể tiến hành nhắc nhở hoặc phạt thẻ vàng và thẻ đỏ. Trong đó, thẻ vàng được dùng để răn đe như một lời cảnh cáo lần 1 cho các cầu thủ. Nếu nhận thẻ vàng thứ 2 hoặc 1 thẻ đỏ trực tiếp, cầu thủ sẽ bị truất quyền thi đấu và phải rời sân. Ngoài ra, khi các thành viên trong ban huấn luyện các đội bóng có hành vi thiếu kiểm soát, trọng tài cũng có thể rút thẻ vàng hoặc thẻ đỏ để truất quyền chỉ đạo. 

3.4 Quản lý thời gian: Theo dõi thời gian thi đấu, bù giờ

Khi trận đấu diễn ra, trọng tài sẽ kiểm soát thời gian thi đấu để đảm bảo đúng tiến độ và thời lượng quy định. Trọng tài sẽ thổi còi để bắt đầu hoặc kết thúc hiệp đấu. Bên cạnh đó, tất cả các tình huống diễn ra trên sân làm ảnh hưởng đến thời gian bóng lăn như thay người, cầu thủ nằm sân do chấn thương, di chuyển cầu thủ chấn thương ra khỏi sân hay thời gian ăn mừng bàn thắng đều sẽ được trọng tài tính toán để bù giờ cần thiết. Những khoảng thời gian bị gián đoạn sẽ được chơi bù vào cuối mỗi hiệp đấu. 

3.5 Phối hợp với các trọng tài khác để đảm bảo tính chính xác và công bằng của trận đấu

Trọng tài chính cần phải phối hợp với trọng tài biên, trọng tài thứ tư và trọng tài VAR để đảm bảo tính chính xác và công bằng của trận đấu. Trọng tài chính có thể tham khảo ý kiến từ trọng tài biên để xác định các pha bóng bị hạn chế tầm nhìn và từ đó đưa ra quyết định chính xác. Đối với trọng tài thứ 4, họ có thể kiểm soát khu vực ngoài đường biên để trọng tài chính có thể tập chung tối đa với những diễn biến trên sân. Cuối cùng, trọng tài VAR có thể hỗ trợ trọng tài chính trong việc kiểm tra những tình huống gây tranh cãi trong trận đấu thông qua các công nghệ hiện đại.

4. Các ký hiệu tay của trọng tài

Để điều khiển các trận đấu, các trọng tài bóng đá luôn có những ký hiệu đặc thù riêng để yêu cầu các cầu thủ tuân theo. Dưới đây là những ký hiệu tay mà các trọng tài thường xuyên sử dụng trong các trận đấu:

4.1. Ký hiệu phạt trực tiếp (Direct free kick signals)

Khi cầu thủ trên sân thực hiện các hành vi phạm lỗi thô bạo như đẩy người, kéo áo,... trọng tài sẽ thổi phạt và cho đội bị phạm lỗi quyền thực hiện một pha đá phạt trực tiếp. Trọng tài chính sẽ thổi còi khi xuất hiện pha phạm lỗi và chỉ tay về hướng tấn công của đội được hưởng quả đá phạt.

Trọng tài ra dấu phạt trực tiếp

Trọng tài ra dấu phạt trực tiếp

 

4.2. Ký hiệu phạt gián tiếp (Indirect free kick signals)

So với quả phạt trực tiếp, phạt gián tiếp dành cho các lỗi vi phạm ít nghiêm trọng hơn như rơi vào thế việt vị, ngăn cản thủ môn đối phương đưa bóng vào cuộc, cản đường chạy của đối phương,... Trọng tài sẽ thổi còi khi có tình huống phạm lỗi, đồng thời giơ cánh tay lên trời và giữ nguyên tư thế này cho đến khi quả đá phạt được thực hiện.

Phạt gián tiếp

Trọng tài ra dấu trong một pha đá phạt gián tiếp

Quả đá phạt gián tiếp sẽ được thực hiện ngay tại vị trí diễn ra pha phạm lỗi, kể cả trong vòng cấm. Tuy nhiên, cầu thủ thực hiện đá phạt gián tiếp không được phép sút thẳng vào khung thành như đá phạt trực tiếp. Nếu bóng bay vào lưới từ một cú đá phạt gián tiếp và không chạm vào cầu thủ nào trên sân, bàn thắng sẽ không được công nhận.

4.3. Ký hiệu ném biên (Throw-in signals)

Khi bóng đi ra khỏi đường biên ngang, trọng tài biên chỉ cờ theo hướng tấn công của đội được hưởng ném biên. Lúc này, trọng tài chính cũng sẽ giơ tay thẳng với bả vai và chỉ về hướng tương tự. Trong trường hợp trọng tài chính và trọng tài biên không có cùng quan điểm giống nhau, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính.

Trọng tài ra dấu chỉ quyền ném biên

Trọng tài ra dấu chỉ quyền ném biên

4.4. Ký hiệu phạt góc (Corner kick signals)

Khi xuất hiện một tình huống phạt góc, trọng tài chính sẽ chỉ tay về phía cột cờ ở góc sân theo hướng mà quả phạt góc được thực hiện. Lúc này, trọng tài biên cũng sẽ chạy tới góc sân và chỉ cờ xuống tại vị trí đá phạt góc.

Đá phạt góc

Khu vực đá phạt góc

 

4.5. Ký hiệu việt vị (Offside signals)

Khi một cầu thủ rơi vào tình huống việt vị, trọng tài biên sẽ phất cờ lên cao và từ từ hạ cờ cho đến khi vuông góc mặt sân thi đấu. Sau khi có tín hiệu việt vị từ trọng tài biên, trọng tài chính sẽ thổi còi tạm dừng trận đấu và ra dấu hiệu thực hiện một quả phạt gián tiếp tại vị trí việt vị. 

Trọng tài căng cờ Việt vị

Trọng tài căng cờ báo việt vị

4.6. Ký hiệu thẻ vàng và thẻ đỏ (Yellow card and red card signals)

Trong các tình huống cần phải đưa ra hình phạt, trọng tài sẽ giơ một chiếc thẻ vàng hoặc thẻ đỏ nhắm vào cầu thủ phạm lỗi. Nếu cầu thủ nhận thẻ vàng, đó là một cảnh cáo đầu tiên từ trọng tài. Khi phải nhận thẻ vàng thứ 2 trong trận, cầu thủ này sẽ bị truất quyền thi đấu và phải rời sân. Điều này được gọi là nhận thẻ đỏ gián tiếp. Còn đối với những pha phạm lỗi nghiêm trọng mang tính triệt hạ hoặc cố tình phạm lỗi trong tình huống có thể dẫn tới bàn thắng, cầu thủ vi phạm có thể sẽ phải nhận 1 thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài, cùng với đó là án cấm thi đấu trong một số trận tiếp theo.  

Trọng tài phạt thẻ vàng cầu thủ Messi

Trọng tài phạt thẻ vàng trong một pha phạm lỗi của Messi

4.7. Ký hiệu phạt đền (penalty signals)

Phạt đền (còn gọi là đá phạt 11 mét hay penalty) là một pha đá phạt được thực hiện trong vòng 16m50 với khoảng cách 11 mét được tính từ khung thành của đội phạm lỗi. Trọng tài sẽ thổi còi và chỉ tay vào chấm đá phạt đền khi có lỗi được gây ra bởi đội đang phòng ngự trong khu vực cấm địa. 

Trọng tài chỉ tay chấm phạt đền

Trọng tài chỉ tay vào chấm đá phạt đền

4.8. Ký hiệu xem lại tình huống bằng công nghệ VAR

Công nghệ VAR (Video Assistant Referee) được sử dụng khi trọng tài cần xem xét lại một pha bóng không rõ ràng. Khi cần tham khảo VAR, trọng tài sẽ ra ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật lên không trung và sau đó di chuyển đến màn hình ở ngoài đường biên. Lúc này, các góc máy quay chậm pha bóng sẽ được hiển thị trên màn hình.

Trọng tài tham khảo tình huống can thiệp từ VAR

Trọng tài tham khảo hình ảnh từ VAR

5. Trang phục của trọng tài

Từ trước đến nay, hầu hết các trọng ài thường sử dụng áo màu đen, ngoại trừ trường hợp có đội mặc trang phục dễ nhầm với màu đen thì trọng tài có thể chọn màu khác để phân biệt với cầu thủ cả 2 bên.

Để đảm bảo tính chính xác, các trọng tài sẽ được trang bị bộ đàm để có thể trao đổi với nhau trong các tình huống bóng. Với bộ đàm này, trọng tài chính có thể dễ dàng thông báo cho trọng tài thứ 4 số phút bù giờ, cũng như tham khảo quyết định từ tổ VAR trước khi đưa ra quyết định.

Bên cạnh bộ đàm, trọng tài chính còn mang một chiếc còi nhằm ra tín hiệu với các cầu thủ trên sân. Ngoài ra, trọng tài chính còn trang bị thẻ vàng và thẻ đỏ để đưa ra hình phạt cho cầu thủ phạm lỗi. 

6. Trọng tài có những áp lực gì?

Với các quyết định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến và kết quả trận đấu, trọng tài thường phải đương đầu với một loạt áp lực từ nhiều phía khác nhau, bao gồm:

  • Áp lực từ cầu thủ: Cầu thủ thường phải chịu những áp lực lớn với kết quả trận đấu. Do đó, họ thể đặt nặng sức ép lên trọng tài trong những tình huống tranh cãi. Họ có thể phản ứng mãnh liệt khi trọng tài đưa ra quyết định khiến họ không đồng ý, từ đó gây ra các tình huống căng thẳng trong trận đấu.
  • Áp lực từ huấn luyện viên: Sau khi trận đấu kết thúc, nhiều huấn luyện viên sẵn sàng công khai chỉ trích trọng tài trong phòng họp báo với những quyết định mà họ cho là không hợp lý. 
  • Áp lực từ cổ động viên: Trọng tài cũng thường xuyên nhận những áp lực từ phía các cổ động biên trong trận đấu. Mỗi quyết định của trọng tài trên sân đều nhận về những tiếng huýt sáo hay những lời lẽ xúc phạm bất kể quyết định đưa ra là đúng hay sai. 
  • Áp lực từ các quy tắc và công nghệ VAR: Sự ra đời của Công nghệ Trợ lý trọng tài video (VAR) đã đặt thêm áp lực lên vai trọng tài. Họ phải làm việc dưới sự kiểm tra liên tục từ VAR và các quyết định bẻ còi có thể gây ra tranh cãi hoặc bất đồng ý kiến từ các bên liên quan.

7. Những câu hỏi thường gặp về trọng tài

7.1 Lương trọng tài khoảng bao nhiêu, có cao không ?

Lương của trọng tài trong bóng đá có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cấp độ của trận đấu, quốc gia hoặc liên đoàn bóng đá. Trong các giải đấu lớn như World Cup, Euro, hoặc Champions League, các trọng tài thường nhận được mức lương cao hơn so với các giải đấu quốc gia.

Tuy nhiên, các con số cụ thể về lương của trọng tài thường không được công khai. Thông thường, trọng tài được trả một khoản lương cố định cho mỗi trận đấu họ điều khiển, cộng với một số khoản thưởng phụ thuộc vào hiệu suất hoặc mức độ hoàn thành công việc.

7.2 Để làm nghề trọng tài thì cần đáp ứng những yếu tố nào ?

Để trở thành một trọng tài bóng đá giỏi, có một số yếu tố quan trọng mà bạn cần phải quan tâm và phát triển:

  • 1. Thông thạo luật lệ: Trọng tài cần phải nắm chắc và biết cách áp dụng các quy định vào trận đấu một cách chính xác và công bằng.
  • 2. Duy trì sự bình tĩnh: Một trọng tài giỏi phải có khả năng duy trì sự bình tĩnh trong mọi tình huống. Họ luôn phải làm việc dưới áp lực và căng thẳng mà vẫn giữ được sự khách quan và công bằng.
  • 3. Kỹ năng quan sát và quyết định nhanh chóng: Trong khi trận đấu diễn ra với tốc độ nhanh, trọng tài phải có khả năng quan sát và đưa ra quyết định chính xác trong khoảng thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi sự sắc bén và tập trung cao độ.
  • 4. Khả năng quản lý tình huống: Trong trường hợp các tình huống căng thẳng hoặc xung đột xảy ra, trọng tài cần phải có khả năng điều khiển tình huống một cách chuyên nghiệp và quản lý các bên một cách hiệu quả.
  • 5. Liên tục phấn đấu: Trong sự nghiệp, trọng tài cần phải luôn phấn đấu và học hỏi từ mỗi trận đấu. Việc đánh giá và rút kinh nghiệm từ mỗi trận đấu là điều cần thiết để phát triển và trở thành một trọng tài giỏi.
  • 6. Chuyên nghiệp và đạo đức: Trọng tài cần phải duy trì sự chuyên nghiệp và đạo đức cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Họ phải là mẫu hình cho sự công bằng và tôn trọng trong bóng đá.
Bình luận