Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

Tổng quan về V.League 1 (Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam)

Ngày đăng: 30/07/2024

V-league là giải bóng đá chuyên nghiệp cấp độ cao nhất dành cho các câu lạc bộ hàng đầu tại Việt Nam. Đây là một trong những giải đấu nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người hâm mộ trong nước, đồng thời thu hút được nhiều cầu thủ nước ngoài đến chơi bóng tại Việt Nam. 


Logo hiện tại của V.League 1

1. Lịch sử ra đời (Giai đoạn từ 1955-1979)

Các giải đấu bóng đá cấp độ quốc gia của Việt Nam được hình thành từ năm 1955. Ở thời điểm này, đất nước đang bị chia cắt nên đã tồn tại đồng thời 2 giải đấu bao gồm giải miền Bắc và giải miền Nam. 

Sau khi thống nhất đất nước, giải Vô địch Quốc gia thời điểm này được tổ chức theo khu vực từ năm 1976. Các trận đấu sẽ được diễn ra theo 3 khu vực bao gồm: giải Hồng Hà của miền Bắc, giải Trường Sơn của miền Trung và giải Cửu Long tại miền Nam. Sau đó, các đội đứng đầu mỗi giải sẽ hội tụ tại Hà Nội để tranh chức vô địch. Ngoài ra, các đội xếp cuối bảng cũng sẽ gặp nhau để xác định xuất xuống hạng. 

Tuy nhiên, sau khi nhận thấy những bất cập trong hình thức tổ chức này, giải đấu đã có sự thay đổi vào năm 1979. Theo đó, mùa giải năm 1979 vẫn được tổ chức theo khu vực nhưng sẽ có ý nghĩa phân hạng đấu cho các đội ở mùa giải kế tiếp. Trong đó 8 đội đứng đầu giải Hồng Hà, 2 đội đứng đầu giải Trường Sơn và 8 đội đứng đầu giải Cửu Long sẽ giành quyền thi đấu ở giải hạng 1, trong khi các đội còn lại sẽ thi đấu ở hạng 2. Đây là bước ngoặt để phát triển Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong tương lai.

2. Giai đoạn hình thành và phát triển (1980-2000)

Bắt đầu từ năm 1980, Giải vô địch Quốc gia lần đầu tiên được hình thành với sự tham dự của các đội trên toàn lãnh thổ. Đây cũng là năm đầu tiên giải đấu được tổ chức bởi Hội Bóng đá Việt Nam (tiền thân của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) Trong giai đoạn này, mặc dù không có sự ổn định về hình thức qua từng năm, nhưng giải đấu vẫn duy trì nguyên tắc chia đều các đội ra từng bảng và chọn ra những đội đứng đầu để tranh chức vô địch, còn các đội xếp cuối cùng sẽ phải xuống hạng.  

Tuy nhiên, trong 2 mùa giải diễn ra vào năm 1986 và 1987, giải đấu đã diễn ra mà không có xuất xuống hạng do Tổng cục thể dục thể thao muốn rà soát lại chất lượng giải đấu. Đây cũng là lý do khiến giải Vô địch Quốc gia năm 1988 không được tổ chức. 

Tới năm 1989, giải đấu đã được tổ chức trở lại với 32 đội bóng tham dự và chia làm 3 bảng đấu (bảng A có 11 đội, bảng B có 10 đội và Bảng C 11 đội). Lúc này, các đội đứng cuối mỗi bảng sẽ phải xuống chơi tại giải hạng dưới, trong khi 7 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ vào đi tiếp vào vòng chung kết.

Đến năm 1997, giải đấu đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề liên quan đến việc dàn xếp tỷ số, khiến một số trận đấu phải huỷ bỏ kết quả. Hiện trạng này đã khiến mùa giải năm 1999 không được tổ chức do không tìm được phương án giải quyết. Thay vào đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã tổ chức một giải đấu “tập huấn” không có đội xuống hạng nhằm nêu cao tinh thần thể thao, đẩy lùi tiêu cực.

2.1 Giai đoạn chuyển sang chuyên nghiệp (2000-2011)

Đến mùa giải 2000-2001, Giải vô địch Quốc gia chuyển sang hình thức chuyên nghiệp với sự xuất hiện của các nhà tài trợ, đồng thời đổi tên giải thành V-League. Đây cũng là mùa giải đầu tiên có sự góp mặt của những cầu thủ nước ngoài, mỗi đội sẽ được đăng ký tối đa 5 ngoại binh trong mỗi trận đấu và chỉ được sử dụng 3 ngoại binh cùng lúc trên sân. 

Trong giai đoạn này, V-League đã chuyển sang thể thức thi đấu vòng tròn tính điểm 2 lượt trận để xác định nhà vô địch giống như nhiều giải đấu hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn chưa duy trì được sự ổn định về số lượng đội tham dự. Cụ thể, giải đấu chỉ có 10 đội tham dự trong 2 mùa 2000-01 và 2001-02, sau đó là 12 đội kể từ năm 2003 và tăng lên 13 đội vào năm 2006. Phải đến năm 2007, V-League mới có sự góp mặt của 14 đội như hiện tại. 

2.2 Sự thành lập và điều hành của VPF (Giai đoạn 2011-2020)

Sau những vấn đề trong khâu tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), một số đội bóng đã có ý định bỏ giải và thành lập một giải đấu khác. Lúc này, các cuộc họp giữa VFF và đại diện các đội V-League, Hạng Nhất đã được diễn ra nhằm tìm kiếm phương án giải quyết. 

Vào ngày 29-9-2011, đôi bên đã thống nhất thành lập một tổ chức bóng đá mới mang tên Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Kể từ đây,  các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam (bao gồm V-League) sẽ được quản lý bởi VPF. Đến mùa giải 2013, VPF đã đổi tên giải đấu thành V.League 1 như hiện tại. 

2.3 Thay đổi thể thức thi đấu và sự gián đoạn của Covid-19 (Giai đoạn 2020-nay)

Kể từ năm 1997, V.league 1 đã được diễn ra đều đặn với thể thức vòng tròn tính điểm 2 lượt trận. Tuy nhiên, đến năm 2020, ban tổ chức lại quyết định thay đổi thể thức thi đấu. Giải đấu lúc này sẽ được diễn ra với thể thức vòng tròn tính điểm 1 lượt trận để chọn ra 8 đội mạnh nhất, 8 đội này sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn 1 lượt để tìm ra đội vô địch, trong khi các đội còn lại sẽ phải tham gia đá play-off cũng với thể thức này để xác định đội xuống hạng. 

Trong mùa giải 2021, giải đấu vẫn giữ nguyên thể thức như năm trước đó nhưng lại chỉ chọn ra 6 đội dẫn đầu, trong khi 8 đội còn lại phải đá play-off. Tuy nhiên, giải đấu lại bị huỷ bỏ khi đang đi được một nửa chặng đường do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai đang là đội dẫn đầu nhưng không được công nhận là nhà vô địch và giành quyền tham dự vòng bảng AFC Champions League 2022. 


Hoàng Anh Gia Lai có phong độ cao trong mùa giải 2021

Đến mùa giải 2022, giải đấu đã tiếp tục được tổ chức nhưng quay lại với thể thức vòng tròn tính điểm 2 lượt trận như trước đây. Trong các mùa giải tiếp theo, giải đấu vẫn giữ nguyên thể thức nhưng lại có sự thay đổi về thời gian tổ chức. Các đội sẽ thi đấu từ mùa thu đến mùa xuân tương tự như nhiều giải vô địch quốc gia trên thế giới.

3. Thể thức thi đấu của Giải bóng đá vô địch Quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ

Kể từ khi có sự góp mặt của các đội bóng trên cả nước, Giải vô địch Quốc gia đã có những sự thay đổi nhất định qua các thời kỳ. Dưới đây là thể thức của giải đấu từ những năm 1980 cho đến nay.

Giai đoạn

Vòng 1

Vòng 2 

(Vòng chung kết)

Suất xuống hạng

1980-1996

– Các đội được chia vào các bảng để thi đấu vòng tròn tính điểm 2 lượt trận. 

 

– Các đội có thành tích tốt nhất mỗi bảng sẽ vào vòng chung kết.

– 1980-1982: Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, đội dẫn đầu sẽ giành chức vô địch.

 

– 1983-1985: Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, các đội dẫn đầu sẽ vào bán kết tranh chức vô địch.

 

– 1986: Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, đội dẫn đầu sẽ giành chức vô địch

 

– 1987-1988: Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, các đội dẫn đầu sẽ thi đấu loại trực tiếp để tranh chức vô địch.

 

– 1989-1990: Chia làm các bảng để thi đấu vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, các đội xuất sắc nhất mỗi bảng sẽ vào bán kết.

 

– 1991-1992: Thi đấu loại trực tiếp để tìm đội vô địch.

 

– 1993-94: Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận, các đội dẫn đầu sẽ vào bán kết tranh chức vô địch.

 

– 1995: Thể thức loại kép. 

 

– 1996: Vòng tròn tính điểm 2 lượt trận, 2 đội có thành tích tốt nhất sẽ đá chung kết. 

Các đội xếp cuối bảng sẽ phải xuống hạng. Ngoại trừ năm 1991 và 1995, các đội xếp cuối bảng sẽ được tham dự vòng play-off để trụ hạng.


 

1997-2019

Vòng tròn tính điểm 2 lượt trận, đội dẫn đầu sẽ giành chức vô địch

 

                 X

– Các đội xếp cuối phải xuống hạng.

 

– Các đội áp chót phải thi đấu play-off (1998, 2001-02, 2005, 2007-2010, 2014, 2016, 2018, 2019)

2020 và 2021

– Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận.

 

– Các đội xếp trên sẽ vào vòng sau.

Vòng tròn tính điểm 1 lượt trận để tìm ra nhà vô địch. 

Các đội không được tham dự vòng 2 sẽ phải đá play-off

2022

Vòng tròn tính điểm 2 lượt trận, đội dẫn đầu sẽ giành chức vô địch

 

X


 

Đội xếp cuối bảng

2023-24

Vòng tròn tính điểm 2 lượt trận, đội dẫn đầu sẽ giành chức vô địch




 

X

– Đội xếp cuối bảng xuống hạng.

 

– Đội xếp áp chót đá play-off với đội xếp thứ 2 giải hạng nhất.

 

3.1 Công thức tính điểm

Từ mùa giải 1996, mỗi trận thắng trong giai đoạn đấu bảng sẽ được tính 3 điểm cho 1 trận thắng, 1 điểm cho trận hòa và 0 điểm cho trận thua (3-1-0). Tuy nhiên, từ mùa giải 1995 đổ về trước, hệ thống tính điểm sẽ là 2-1-0 cùng với một số ngoại lệ như sau: 

Mùa giải

Vòng 1

Vòng 2 (Vòng chung kết)

1985 và 1986

Trận hòa sẽ không được tính điểm nếu đội đó đã có từ 4 trận hòa trở lên

 

Trận hòa sau 90 phút sẽ được giải quyết ngay bằng loạt sút luân lưu

1987

Trận hòa sẽ không được tính điểm nếu đội đó đã có từ 5 trận hòa trở lên

1993-94 và 1996

Sút luân lưu nếu tỷ số hòa sau 90 phút

Sút luân lưu nếu tỷ số hòa sau 90 phút

 

3.2 Cách thức xếp hạng

Vị trí của mỗi đội trên bảng xếp hạng sẽ được dựa vào tổng điểm tích lũy qua từng trận đấu. Trong trường hợp những đội bằng điểm nhau, vị trí của các đội sẽ được xác định theo thứ tự ưu tiên lần lượt là: Thành tích đối đầu trực tiếp trong mùa giải, hiệu số bàn thắng thua, tổng số bàn thắng ghi được. 

Các giải thưởng

Tương tự như những giải vô địch quốc gia hàng đầu, V.League 1 cũng bao gồm cúp vô địch cùng các giải thưởng tháng và giải thưởng chung cuộc cho các đội tham dự. 

Cúp vô địch

Kể từ mùa giải 2023/24, VPF đã trao chiếc cúp phiên bản mới dành cho đội vô địch. Chiếc cúp này cao 66 cm, có đường kính đáy 22 cm và được chế tạo bởi Thomas Lyte, một thương hiệu hoàn kim tại Anh chuyên chế tác các vật dụng cho gia đình Hoàng gia. Thomas Lyte cũng là hãng thiết kế nhiều chiếc cúp danh giá như FA Cup, Asian Cup hay David Cup. Trong những mùa giải trước đó, cúp vô địch V.league được làm từ đồng với đế bằng gỗ và được chế tác từ một làng nghề thủ công tại Việt Nam. Chiếc cúp này cao 80 cm, nặng 10 kg và có thêm 2 dải ruy băng được thay đổi theo từng mùa giải.

 


Chiếc cúp phiên bản mới của V.League từ mùa giải 2023/24

Giải thưởng tháng và giải thưởng chung cuộc

V.League có các giải thưởng cho đội bóng, cá nhân, huấn luyện viên xuất sắc nhất trong một tháng. Những cá nhân và tổ chức giành chiến thắng sẽ nhận được kỷ niệm chương và tiền mặt (hoặc hiện vật có giá trị tương đương). Khi kết thúc mùa giải, VPF sẽ tổng kết và trao thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích tốt tại giải đấu. Các hạng mục này gồm có câu lạc bộ, huấn luyện viên, cầu thủ và trọng tài xuất sắc nhất mùa giải.

4. Nhà tài trợ chính của giải đấu

Kể từ khi nhận tài trợ từ các đơn vị kinh doanh, Giải vô địch Quốc gia Việt Nam đã có nguồn tài chính ổn định hơn so với giai đoạn trước đó. Sau đây là những nhà tài trợ chính của giải đấu qua các năm.

Năm

Nhà tài trợ chính

Nội dung tài trợ

2000-2002

Công ty tiếp thị thể thao Strata

– Mua tên giải đấu và đổi thành Strata V-League

– Sở hữu 12 biển quảng cáo trên sân

2003

Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam

Mua tên giải đấu và đổi thành Sting V-League

2004

Công ty cổ phần Kinh Đô

Mua tên giải đấu và đổi thành Kinh Đô V-League

2005

Công ty TNHH nước giải khát Number One

Mua tên giải đấu và đổi thành Number One V-League

2006

Công ty Eurowindow

Mua tên giải đấu và đổi thành Eurowindow V-League

2007-2010

Tổng Công ty khí (Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam)

Mua tên giải đấu và đổi thành  PetroVietnam Gas V-League

2011-2014

Eximbank

Mua tên giải đấu và đổi thành Eximbank V-League

2015-2017

Toyota Việt Nam

Mua tên giải đấu và đổi thành Toyota V-League

2018

Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Việt Nam

Mua tên giải đấu và đổi thành Nuti Café V-League

2019

Công ty CP Tập Đoàn Masan

Mua tên giải đấu và đổi thành Wake Up 247 V-League

2020-2021

Tập đoàn LS Holdings

Mua tên giải đấu và đổi thành LS V-League

2022-nay

Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum

Mua tên giải đấu và đổi thành Night Wolf V-League

 

5. Bản quyền truyền hình

Mùa giải 2005 đã đánh dấu lần đầu tiên V.League bán bản quyền phát sóng cho các nhà đài. Trong khoản thời gian từ 2005-2015, bản quyền phát sóng được bán lẻ theo từng trận cho các nhà đài. Đáng chú ý, trong năm 2010, Truyền hình An Viên đã đạt được thỏa thuận với VFF để sở hữu bản quyền giải đấu với giá 6 tỷ trong 20 năm. Tuy nhiên, khi VPF đã thu hồi hợp đồng này sau khi được thành lập vào năm 2011. 

Cuối năm 2016, Next Media đã đạt được thỏa thuận sở hữu toàn bộ bản quyền phát sóng V.League trong 6 mùa giải. Mặc dù đã xảy ra các tranh chấp pháp lý với VPF, nhưng Next Media vẫn đàm phán thành công và sở hữu quyền phát sóng đến năm 2022. Sau khi hết hạn hợp đồng với Next Media, VPF đã đạt được thoả thuận mới với FPT Telecom. Hợp đồng của hai bên sẽ kéo dài từ mùa giải 2023 đến mùa 2026-27.

6. Những tranh cãi xung quanh giải đấu

Mặc dù đã trải qua hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, nhưng giải Vô địch Quốc gia Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề khiến người hâm mộ và các đội bóng tham dự không khỏi ngán ngẩm. Sau đây sẽ là một số tranh cãi xung quanh quá trình tổ chức giải đấu.

6.1 Nhiều đội bóng cùng một chủ sở hữu

Theo Quy định của bóng đá chuyên nghiệp, các đội bóng trong cùng hệ thống giải đấu không được phép có chung một chủ sở hữu để đảm bảo tính công bằng và trong sạch. Tuy nhiên, khi CLB Hà Nội lên hạng V.League 1 vào năm 2008, đội bóng này SHB Đà Nẵng đang có chung 1 chủ sở hữu là ông Đỗ Quang Hiển. Tuy nhiên, ông Hiển đã có những động thái lách luật khi tuyên bố bản thân chỉ là nhà tài trợ của SHB Đà Nẵng. Mặc dù điều này đã được VFF khẳng định, nhưng người hâm mộ vẫn ngầm hiểu mối liên hệ giữa ông Hiển và hai đội bóng trên. 


Ông Đỗ Quang Hiển

Trong những mùa giải kế tiếp, đã có thời điểm ông Hiển được cho là sở hữu đến 5 đội bóng tại giải đấu. Đỉnh điểm của tình trạng này là năm 2012, ông Nguyễn Đức Thuỵ khi đó là quản lý của Sài Gòn Xuân Thành, đã tuyên bố sẽ bỏ bóng đá do sự thiếu công bằng của giải đấu. Một năm sau đó, Sài Gòn Xuân Thành chính thức giải thể.

6.2 Dàn xếp tỷ số

Đây là vấn nạn mà VPF vẫn chưa tìm được cách khắc phục triệt để. V.League vẫn thường xuyên diễn ra hiện tượng các đội bóng dồn điểm cho một đội đua vô địch hoặc trụ hạng. Điều này được cho là bắt nguồn từ tình trạng nhiều đội bóng có cùng chủ sở hữu, dẫn đến hình thành một số liên minh giữa các đội. Ngoài dồn điểm, các đội bóng này còn tập trung ngăn cản các đội đang cạnh tranh vô địch hoặc trụ hạng với đội bóng trong liên minh. 

6.3 Công tác trọng tài

Trọng tài cũng là một vấn đề khiến V.League trở nên thiếu chuyên nghiệp trong mắt người hâm mộ. Các trận đấu thường xuyên xuất hiện những quyết định gây tranh cãi, thiếu hợp lý từ phía trọng tài, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyên môn giải đấu. Thậm chí, nhiều huấn luyện viên còn lên tiếng khẳng định một số trọng tài đã bị thao túng khi thực hiện nhiệm vụ. Điều này khiến VPF phải giải quyết tạm thời bằng cách mời trọng tài ngoại để điều khiển những trận đấu quan trọng. 

6.4 Bản quyền truyền hình

VPF bị đánh giá là có những động thái làm việc thiếu chuyên nghiệp trong việc bán bản quyền phát sóng. Các thỏa thuận với nhà đài thường xuyên bị huỷ trước khi hợp đồng phát sóng đáo hạn. Đối với các câu lạc bộ, VPF cũng tỏ ra thiếu công bằng trong việc phân chia tiền bản quyền, khi mà tỷ lệ này đều do VPF quy định mà không lấy ý kiến từ các câu lạc bộ.

Bình luận