Tổng quan về Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An
Ngày đăng: 06/08/2024
- 1. Lịch sử hình thành
- 2. Lịch sử phát triển
- 2.1 Giai đoạn hình thành và đặt nền móng (1979-1992)
- 2.2 Giai đoạn thành công với lứa cầu thủ vàng (1992-2004)
- 2.3 Giai đoạn thoái trào (2001-2007)
- 2.4 Giai đoạn đặt nền móng sử dụng cầu thủ địa phương (2007-2009)
- 2.5 Giai đoạn thành công mới với HLV Nguyễn Hữu Thắng (2009-2011)
- 2.6 Giai đoạn thành công trong công tác đào tạo trẻ (2012-nay)
- 3. Sân vận động
- 4. Phong cách chơi bóng
- 5. Đội bóng kình địch
- Câu lạc bộ Hà Nội
- Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
- Đông Á Thanh Hoá
- 6. Trang phục và logo đội bóng
- 7. Thành tích thi đấu
Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An (được viết tắt là SLNA và có biệt danh đội bóng xứ Nghệ) là một đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu tại Giải vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1). Đây là đội bóng giàu bản sắc nhất cả nước với những cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo của câu lạc bộ.
CLB Sông Lam Nghệ An
1. Lịch sử hình thành
Truyền thống bóng đá tại Nghệ An bắt đầu hình thành từ thời kỳ Pháp thuộc với câu lạc bộ Đội Áo Vàng nổi tiếng thời điểm đó. Đây được xem là nguồn gốc màu áo truyền thống của Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An thời điểm hiện tại. Đến năm 1973, với sự nổi lên của các giải bóng đá phong trào, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh đã thành lập một câu lạc bộ nghiệp dư được xem là tiền thân của đội bóng xứ Nghệ ngày nay.
2. Lịch sử phát triển
Ngày 28/02/1979, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã bàn giao quyền quản lý câu lạc bộ về Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ đây, câu lạc bộ được gọi với cái tên Đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh và tham dự vào các giải đấu thuộc hệ thống Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam.
2.1 Giai đoạn hình thành và đặt nền móng (1979-1992)
Sau mùa giải phân hạng năm 1979, Sông Lam Nghệ Tĩnh được xếp vào hạng A2 toàn quốc (giải hạng 2 của bóng đá Việt Nam). Thời điểm này, đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Thành Vinh và tạo ra nhiều thành tích ấn tượng. Đến năm 1986, Sông Lam Nghệ Tĩnh chính thức được tham dự giải A1 toàn quốc (hạng đấu cao nhất tại Việt Nam).
Trong 2 mùa đầu tiên tại giải A1 (1986 và 1987), đội bóng xứ Nghệ thi đấu không tốt và luôn xếp áp chót trong giai đoạn đầu của bảng đấu. Sau khi giải A1 tạm dừng một năm cho các đội củng cố lực lượng, Sông Lam Nghệ Tĩnh đã cải thiện đáng kể với vị trí thứ 2 tại vòng bảng giai đoạn 1.
Sang đến mùa tiếp theo (1989), Liên đoàn bóng đá Việt Nam quyết định lựa chọn ra 18 đội mạnh nhất mùa giải này để tham dự Giải bóng đá các đội mạnh Toàn quốc. Thời điểm đó, Sông Lam Nghệ Tĩnh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 tại vòng bảng. Tuy nhiên, do phải sang Lào thi đấu giao hữu quốc tế, đội bóng xứ Nghệ đã không thể tham dự giai đoạn sau của giải đấu những vẫn được đặc cách thăng hạng do thành tích tốt ở vòng bảng.
Đến mùa giải năm 1990, Sông Lam Nghệ Tĩnh thể hiện phong độ thất vọng với vị trí áp chót tại giai đoạn 1, khiến đội bóng không thể tham dự các giai đoạn sau của giải đấu. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của Sông Lam Nghệ An ở mùa giải này đến từ vụ xô xát với trọng tài trong trận đấu với Dệt Nam Định. Ban đầu, hình phạt cho hai đội bóng này là xuống thi đấu tại giải A1 năm sau, tuy nhiên, án kỷ luật sau đó được gỡ bỏ cho đội bóng xứ Nghệ.
Ở mùa giải tiếp theo (1991), Sông Lam Nghệ Tĩnh tiếp tục thi đấu thất vọng và phải tham dự trận play-off xuống hạng với câu lạc bộ Long An. Sau đó, đội bóng xứ Nghệ đã may mắn trụ hạng thành công sau khi giành chiến thắng trên loạt sút luân lưu.
2.2 Giai đoạn thành công với lứa cầu thủ vàng (1992-2004)
Năm 1992, khu vực Nghệ Tĩnh được tách thành hai tỉnh riêng biệt là Nghệ An và Hà Tĩnh. Lúc này, câu lạc bộ được chuyển quyền quản lý cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An và được gọi là Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An. Cũng trong mùa giải này, đội bóng đã có lần đầu tiên vượt qua giai đoạn 1 và vào đến bán kết Giải vô địch Quốc gia.
Vào ngày 21/3/1994, câu lạc bộ chuyển quyền sở hữu về Sở Thể dục Thể thao nghệ An. Đến năm 1996, sau 2 mùa giải 1993/94 và 1995 không mấy thành công, Sông Lam Nghệ An đã giành huy chương đồng Giải vô địch Quốc gia và Cúp Quốc gia. Sang năm 1997, đội bóng tiếp tục thi đấu xuất sắc và giành vị trí á quân chung cuộc trong mùa giải đầu tiên áp dụng thể thức vòng tròn tính điểm hai lượt trận.
Chu kỳ thành công của SLNA tiếp tục được kéo dài từ mùa giải năm 1998 cho đến 2001. Trong giai đoạn này, đội bóng đã giành nhiều thành tích nổi bật như Á quân Giải vô địch Quốc gia 1998, huy chương đồng Cúp Quốc gia 1998, vô địch Cúp Dunhill 1998, vô địch giải tập huấn mùa xuân 1999, Á quân Cúp Dunhill 1999.
Đáng chú ý, trong mùa giải năm 2000, SLNA đã có lần đầu tiên về nhất Giải vô địch Quốc gia với 43 điểm sau 24 vòng đấu. Ngoài ra, đội bóng còn đoạt Siêu Cúp Quốc gia năm 2000 sau trận thắng 2-0 trước Cảng Sài Gòn. Tới mùa giải 2001, SLNA tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch Quốc gia và trở thành đội bóng đầu tiên vô địch khi giải đấu chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp (V.League).
Sông Lam Nghệ An bảo vệ thành công chức vô địch V.League 2001
Thời kỳ hoàng kim của đội bóng xứ Nghệ trong giai đoạn này phải kể đến sự đóng góp to lớn HLV Nguyễn Thành Vinh. Sau 19 năm dẫn dắt câu lạc bộ, ông đã đặt nền móng cho sự phát triển của SLNA và cùng với lứa cầu thủ như Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường trở thành biểu tượng cho sự thành công của đội bóng xứ Nghệ.
2.3 Giai đoạn thoái trào (2001-2007)
Kể từ chức vô địch mùa giải 2001, SLNA bắt đầu chịu những ảnh hưởng xuất phát từ nguồn tài chính eo hẹp của câu lạc bộ. Đây là nguyên nhân khiến đội bóng xứ Nghệ chảy máu lực lượng và từ đó ảnh hưởng tới phong độ qua từng mùa giải. Trong giai đoạn 2002-2004, đội bóng thể hiện một lối chơi nhạt nhoà và chủ yếu xếp ở vị trí giữa bảng xếp hạng.
Vào năm 2004, câu lạc bộ chia tay HLV Nguyễn Thành Vinh và chuyển sang hình thức chuyên nghiệp với sự tài trợ từ Công ty Cổ phần bảo hiểm PJICO. Lúc này, đội bóng xứ Nghệ được đổi tên thành Câu lạc bộ PJICO Sông Lam Nghệ An. Mặc dù tình hình tài chính được cải thiện, nhưng câu lạc bộ vẫn không giành được thành tích gì nổi bật ở giai đoạn sau đó (2004-2007).
2.4 Giai đoạn đặt nền móng sử dụng cầu thủ địa phương (2007-2009)
Năm 2007, đội bóng tiếp tục đổi thành Câu lạc bộ bóng đá Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An với sự hợp tác cùng Tổng Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC). Tuy nhiên, đội bóng lại một nữa gặp phải tình trạng sứt mẻ lực lượng với sự ra đi của những cái tên chất lượng như Lê Công Vinh hay Dương Hồng Sơn. Do không tìm được sự thay thế, SLNA không giành được bất kỳ thành công nào trong giai đoạn này. Để giải quyết tình hình và tạo nên thành công lâu dài, ban lãnh đạo đội bóng quyết định sử dụng các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ. Trong những năm gần đây, SLNA là một trong những số ít các đội bóng tại V.League có nòng cốt là các cầu thủ địa phương.
2.5 Giai đoạn thành công mới với HLV Nguyễn Hữu Thắng (2009-2011)
Đến năm 2009, đội bóng xứ Nghệ chính thức mang tên Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An như hiện tại với sự thành lập của Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An. Sau giai đoạn không đạt được nhiều thành tựu, câu lạc bộ đã giành được danh hiệu Cúp Quốc gia 2010 dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng (cựu cầu thủ SLNA).
Với thành công từ mùa giải trước, SLNA tiếp tục thi đấu ấn tượng và giành chức vô địch V.League 2011. Đây cũng là danh hiệu vô địch quốc gia thứ ba trong lịch sử câu lạc bộ. Ngoài ra, đội bóng còn giành chiến thắng trong trận tranh Siêu Cúp Quốc gia với tỷ số 3-1 trước Navibank Sài Gòn.
Sông Lam Nghệ An với chức vô địch V.League 2011
2.6 Giai đoạn thành công trong công tác đào tạo trẻ (2012-nay)
Sau 2 mùa bóng gặt hái được nhiều thành tựu, những thành công kế tiếp của SLNA cho đến hiện tại chủ yếu đến từ đấu trường Cúp Quốc gia và các giải đấu dành cho lứa cầu thủ trẻ. Trong mùa giải 2017, đội bóng xứ Nghệ đã vượt qua nhiều đội bóng mạnh như Hà Nội và Becamex Bình Dương để có lần thứ ba vô địch Cúp Quốc gia. Đến năm 2020, SLNA cũng được vinh danh là đội bóng có lò đào tạo trẻ xuất sắc nhất năm với hàng loạt các thành tích như 3 huy chương vàng ở giải vô địch Quốc gia lứa tuổi U11, U13, U17, cùng với đó là 1 huy chương bạc ở lứa U21 và 2 huy chương đồng lứa U15 và U19 Quốc gia.
Tại V.League trong giai đoạn này, đội bóng xứ Nghệ lại không giành được bất kỳ thành tích nào đáng kể. Vị trí cao nhất của đội bóng là lọt vào top 4 ở các năm 2012, 2013 và 2018. Trong các mùa giải gần đây, SLNA đang cho thấy sự đi xuống đáng kể khi xếp thứ 10 ở năm 2020 và thứ 12 ở mùa giải 2023/24. Đây cũng là những vị trí kém nhất mà đội bóng đạt được kể từ khi tham dự V.League. Thậm chí, ở mùa 2021, SLNA còn xếp cuối bảng trước khi giải đấu bị huỷ do những ảnh hưởng bởi Covid-19.
3. Sân vận động
Kể từ khi thành lập, CLB SLNA đã sử dụng sân vận động Vinh làm sân nhà. Đây là sân vận động nằm trên tuyến đường Đào Tấn, thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An với sức chứa lên tới 18 nghìn cổ động viên.
Sân vận động Vinh được xây dựng vào năm 1976 và đã trải qua các lần cải tạo vào năm 1999 và 2016. Trong lần cải tạo đầu tiên, sân đấu này đã được nâng cấp với mục tiêu tổ chức các trận bóng đá, điền kinh cùng các hoạt động văn hoá của địa phương và quốc gia trong 50 năm. Thời điểm đó, ngoài việc nâng cấp chỗ ngồi ở các khán đài A, B và C, sân vận động Vinh được xây dựng thêm mái che, hệ thống chiếu sáng và thoát nước vòng quanh sân.
Sân vận động Vinh
Đến năm 2016, sân đấu này lại được bảo dưỡng để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng. Các khu vực bị ẩm mốc trên khán đài đã được xây dựng lại, đồng thời tiến hành tu sửa các phòng chức năng. Hiện tại, sau một thời gian dài sử dụng, sân vận động Vinh lại đang cho thấy những xuống cấp trầm trọng và cần được cải tạo để tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế.
Đối với các cổ động viên SLNA, sân Vinh là nơi chứng kiến các khoảnh khắc lịch sử của đội bóng xứ Nghệ. Sân đấu này là nơi diễn ra trận đấu cuối cùng của V.League 2011 giữa SLNA và Hà Nội T&T. Thời điểm đó, đội bóng thủ đô đã bị cầm hoà 1-1 và ngậm ngùi chứng kiến SLNA vô địch V.League ngay trên sân nhà với 3 điểm nhiều hơn. Ngoài ra, trận chung kết lượt về Cúp Quốc gia 2017 cũng được tổ chức tại sân vận động Vinh. Ở giải đấu năm đó, Sông Lam Nghệ An đã giành chiến thắng chung cuộc 7-2 trước Becamex Bình Dương để lên ngôi vô địch. Đây cũng là danh hiệu quốc gia gần nhất của đội bóng xứ Nghệ.
4. Phong cách chơi bóng
Trước đây, CLB SLNA thường nổi tiếng với lối chơi rắn và sẵn sàng phạm lỗi để phá lối chơi của đối thủ. Người hâm mộ bóng đá trong nước thường ví von đội bóng xứ Nghệ sở hữu phong cách “chém đinh, chặt sắt” tương tự như Atletico Madrid dưới thời Diego Simeone.
Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Ngô Quang Trường trong giai đoạn từ 2019-2021, CLB SLNA đã thể hiện một phong cách thi đấu đẹp mắt với lối chơi đầy tốc độ và kỹ thuật. Tại V.League 2020, đội bóng xứ Nghệ đã dẫn đầu bảng xếp hạng sau 5 vòng đấu bằng lối đá đầy tính cống hiến này, trong đó nổi bật là chiến thắng 1-0 trước CLB Hà Nội trên sân Hàng Đẫy, chấm dứt chuỗi 8 năm không thắng trước đội bóng thủ đô của SLNA.
Đến thời HLV Phan Như Thuật trong mùa giải 2023/24, đội bóng xứ Nghệ đã quay trở lại với lối đá thực dụng nhưng được tổ chức một cách bàn bản và khoa học hơn. Ông Thuật yêu cầu các học trò trên sân phải đảm bảo sự chắc chắn và an toàn trên sân nhà, sau đó mới triển khai các tình huống phản công nhanh để ghi bàn.
5. Đội bóng kình địch
Tương tự như nhiều đội bóng tại V.League, CLB SLNA cũng có những đối thủ mang nhiều duyên nợ mỗi khi đối đầu. Sau đây là những đội bóng được xem là kình địch của SLNA trong những năm qua.
Câu lạc bộ Hà Nội
CLB Hà Nội luôn là đối thủ lớn nhất của đội bóng xứ Nghệ kể từ khi đội bóng thủ đô giành quyền lên chơi tại V.League 1 (2009). Mỗi khi hai câu lạc bộ đối đầu, một không khí rực lửa thường được tạo ra bởi lượng lớn người hâm mộ trên khán đài. Thậm chí, các cổ động viên của SLNA còn đăng biểu ngữ nhằm ám chỉ CLB Hà Nội đã liên minh với các câu lạc bộ khác nhằm thao túng giải đấu, khiến đội bóng xứ Nghệ gặp khó khăn trong cuộc đua vô địch. Bên cạnh đó, các cổ động viên của CLB Hà Nội cũng không có nhiều thiện cảm với SLNA khi câu lạc bộ này đã chấm dứt chuỗi 38 trận bất bại trên sân nhà của đội bóng thủ đô tại V.League 2020.
Cổ động viên SLNA phản đối bầu Hiển
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
Cuộc đối đầu giữa CLB HAGL và SLNA luôn thu hút nhiều sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Mặc dù đều có truyền thống đào tạo trẻ, nhưng đội bóng xứ Nghệ lại có phong cách thực dụng thay vì lối chơi cống hiến của HAGL. Với triết lý bóng đá khác nhau, các trận đấu giữa hai câu lạc bộ này luôn mang lại sự hấp dẫn và kịch tích cho V.League. Lịch sử đối đầu cũng cho thấy sự kị dơ của hai câu lạc bộ này. Trên sân vận động Vinh, CLB SLNA đã bất bại 17 trận và chỉ thua duy nhất 1 lần trước đội bóng phố núi. Tuy nhiên, khi hành quân đến Pleiku, SLNA để thua đến 9 trận và chỉ có 2 lần giành chiến thắng.
Đông Á Thanh Hoá
Cuộc đối đầu giữa SLNA và Thanh Hoá thường được người hâm mộ gọi là “trận derby Bắc Trung Bộ”, khi mà sự so kè giữa hai câu lạc bộ này phần lớn được xuất phát từ lòng tự tôn đối với quê hương mình. Do đó, các trận đấu giữa CLB Thanh Hóa và SLNA thường diễn ra rất hấp dẫn với những tình huống quyết liệt trên sân. Thực tế cũng cho thấy, Thanh Hoá luôn là đối thủ kị dơ của SLNA khi mà đội bóng xứ Nghệ mới chỉ dành được một chiến thắng trên sân của đối thủ này kể từ V.League 2011.
6. Trang phục và logo đội bóng
Trang phục truyền thống của CLB SLNA có màu vàng là chủ đạo được lấy cảm hứng từ câu lạc bộ Đội áo vàng từ thời kỳ Pháp thuộc. Trong khi đó, trang phục sân khách và mẫu áo thứ ba của đội bóng lại khá linh hoạt với sự thay đổi qua từng mùa giải.
Trang phục truyền thống của CLB SLNA
Kể từ khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, logo của SLNA thường thay đổi sao cho phù hợp với từng nhà tài trợ. Dưới đây là biểu tượng mà đội bóng xứ Nghệ đã từng sử dụng trong quá khứ và hiện tại.
Logo của SLNA qua từng giai đoạn
7. Thành tích thi đấu
CLB SLNA được xem là một trong những đội bóng xuất nhắc nhất tại V.League trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Dưới đây là những thành tích mà câu lạc bộ này đã giành được kể từ khi thành lập.
Giải vô địch Quốc gia
Vô địch (3): 1999/2000, 2000/01, 2011
Á quân (3): 1997, 1998, 2001/02
Hạng ba (3): 1992, 1996, 2009
Cúp Quốc gia
Vô địch (3): 2001/02, 2010, 2017
Á quân (1): 2011
Hạng ba (7): 1996, 1998, 2004, 2007, 2009, 2012, 2018
Siêu Cúp Quốc gia
Vô địch (4): 2000, 2001, 2002, 2011
Á quân (2): 2010, 2017
Giải vô địch U21 Quốc gia
Vô địch (5): 2000, 2001, 2002, 2012, 2014
Á quân (5): 2003, 2007, 2010, 2020, 2023
Hạng ba (4): 2004, 2011, 2013, 2017
Giải vô địch U19 Quốc gia
Vô địch (5): 1999, 2001, 2004, 2005, 2006
Á quân (6): 2002, 2007, 2011, 2013, 2014, 2023
Hạng ba (9): 2000, 2008, 2012, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, 2024
Giải vô địch U17 Quốc gia
Vô địch (8): 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2012, 2020
Á quân (2): 2010, 2018
Hạng ba (3): 2015, 2022, 2023
Giải vô địch U15 Quốc gia
Vô địch (4): 2002, 2018, 2019, 2022
Á quân (3): 1999, 2008, 2023
Hạng ba (4): 2003, 2005, 2017, 2020
Giải vô địch U13 Quốc gia
Vô địch (11): 1997, 1998, 2003, 2013, 2014, 2018, 2019, 2020, 2022, 2023, 2024
Á quân (2): 2015, 2016
Hạng ba (2): 1999, 2017
Giải vô địch U11 Quốc gia
Vô địch (7): 2001, 2002, 2017, 2018, 2019, 2020, 2022
Á quân (1): 1997
Hạng ba (8): 1996, 1998, 1999, 2000, 2003, 2009, 2015, 2023
Giải vô địch U9 Quốc gia
Vô địch (2): 2021, 2022
Hạng ba (1): 2023