Tổng quan về câu lạc bộ bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai
Ngày đăng: 02/08/2024
- 1. Lịch sử hình thành
- 2. Lịch sử phát triển của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai
- 2.1 Giai đoạn 2001-2004: Thời kỳ hoàng kim
- 2.2 Giai đoạn 2005-2008: Hợp tác với Arsenal
- 2.3 Giai đoạn từ 2009-2014: Thực hiện chính sách sử dụng cầu thủ trẻ
- 2.4 Giai đoạn từ 2015-2020: Kết thúc hợp đồng với Arsenal, thành tích đi xuống
- 2.5 Mùa giải năm 2021: Gián đoạn do Covid-19
- 2.6 Giai đoạn 2022-nay: Thi đấu không ấn tượng
- 3. Sân vận động của Hoàng Anh Gia Lai
- 4. Phong cách chơi bóng của đội bóng phố núi
- 5. Đội bóng kình địch
- 6. Trang phục và logo đội bóng
- 7. Thành tích thi đấu
Câu lạc bộ bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai (viết tắt là HAGL và có biệt danh Đội bóng phố núi) là một đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu tại Giải vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1). Họ là một trong những đội bóng lâu đời và có lượng “fan” đông đảo nhất cả nước.
1. Lịch sử hình thành
Câu lạc bộ HAGL được thành lập năm 1976 với tên gọi Đội bóng đá Gia Lai - Kon Tum. Sau khi xác định địa giới hành chính, câu lạc bộ đã đổi tên thành Đội bóng đá Gia Lai vào năm 1991. Đến năm 2002, đội bóng chính thức thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sau khi giành quyền lên hạng tại V.League 1 và được đổi tên thành Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, do gặp phải những khó khăn về tài chính, đội bóng phố núi đã nhận sự đầu tư từ Ngân hàng Bưu điện Việt Nam và đổi tên thành LPBank Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2023.
2. Lịch sử phát triển của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai
Trong những năm đầu tiên thành lập, HAGL chỉ là một đội bóng nghiệp dư thi đấu tại giải A2 toàn quốc (tiền thân của giải Hạng Nhất hiện tại). Câu lạc bộ chuyển sang mô hình bán chuyên nghiệp kể từ năm 2001 dưới sự đầu tư của ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Phải đến năm 2002, HAGL mới thực sự được đông đảo người hâm mộ biết tới nhờ việc chiêu mộ những cầu thủ hàng đầu như Kiatisuk.
2.1 Giai đoạn 2001-2004: Thời kỳ hoàng kim
Khi giải Hạng Nhất mùa 2000/01 kết thúc, HAGL chỉ đứng ở vị trí thứ 5 với 31 điểm sau 22 vòng đấu. Thời điểm này, đội bóng phố núi vẫn chỉ được đánh giá là đội trung bình và không có nhiều tiếng tăm trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Cái tên HAGL chỉ được biết đến ở giai đoạn tiền mùa giải 2001/02, khi xuất hiện những thông tin cho biết bầu Đức muốn chiêu mộ Kiatisuk Senamuang, đội trưởng của đội tuyển Quốc gia Thái Lan và là cầu thủ hay nhất Đông Nam Á thời điểm đó.
Với vị thế và tên tuổi của HAGL trong giai đoạn này, các phương tiện truyền thông liên tục đặt ra tính xác thực của thông tin trên. Đến ngày 17/2/2002, Kiatisuk đã chính thức đến Việt Nam thi đấu và giúp đội bóng phố núi giành quyền lên hạng ở V.League 1 mùa giải năm sau.
Kiatisuk giúp HAGL vô địch V.League 2003
Sau đó, bầu Đức đã chiêu một vài cầu thủ Thái Lan như Dusit Chalermsan, Chukiat Noosarung và hàng loạt những tuyển thủ Quốc gia như Lê Quốc Vượng, Văn Sỹ Hùng hay Lương Trung Tuấn. Với đội hình được đầu tư mạnh mẽ, HAGL đã gây tiếng vang lớn thời điểm đó và thống trị các giải quốc nội trong 2 mùa tiếp theo với 2 chức vô địch V.League 1 và 2 Siêu cúp quốc gia.
2.2 Giai đoạn 2005-2008: Hợp tác với Arsenal
Sau 2 mùa bóng đầy thành công tại hạng đấu cao nhất Việt Nam, HAGL không còn duy trì được phong độ với sự ra đi của hàng loạt trụ cột như Kiatisuk. Trong khi đó, những sự bổ sung đầy hứa hẹn như Datsakorn Thonglao lại không thể hiện đúng giá trị, khiến đội bóng của bầu Đức trắng tay kể từ thời điểm này.
Tuy nhiên, thành công của HAGL trong giai đoạn này lại đến từ những kế hoạch đào tạo bóng đá trẻ, góp phần tạo nên thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam sau này. Vào năm 2007, HAGL đã ký thỏa thuận với Arsenal - một trong những câu lạc bộ hàng đầu để mở học viện bóng đá ở Pleiku mang tên HAGL Arsenal-JMG. Sau hai năm phát triển, lứa cầu thủ của học viện này đã bắt đầu để lại dấu ấn và nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia.
2.3 Giai đoạn từ 2009-2014: Thực hiện chính sách sử dụng cầu thủ trẻ
Trước thềm mùa giải 2009, bầu Đức tiếp tục đầu tư mạnh mẽ với mục tiêu trở lại cuộc đua vô địch. Đội bóng phố núi đã tiếp tục tạo tiếng vang khi ký hợp đồng với tuyển thủ Mỹ gốc Việt là Lee Nguyễn, cùng với đó là những tuyển thủ quốc gia như Phan Thành Bình hay Lê Văn Trương. Với dàn nhân sự chất lượng, bầu Đức tự tin khẳng định HAGL gần như chắc chắn sẽ vô địch V.League 2009, tuy nhiên, đội bóng phố núi lại gây thất vọng khi chỉ xếp thứ 6 chung cuộc.
Sang đến mùa giải tiếp theo, HAGL đã thay đổi kế hoạch phát triển đội bóng khi tập chung tạo cơ hội thi đấu cho các cầu thủ trẻ, thay vì mua sắm hàng loạt các tên tuổi như thời điểm trước đó. Ngoài ra, bầu Đức còn mời huyền thoại một thời của câu lạc bộ - Kiatisuk cho vai trò thuyền trưởng dẫn dắt đội bóng. Tuy nhiên, HAGL chỉ xếp thứ 7 chung cuộc và về nhì tại Cúp Quốc Gia 2010.
Đến mùa giải 2011, đội bóng phố núi tiếp tục với chính sách sử dụng cầu thủ trẻ, đồng thời kết hợp với những ngoại binh như Benjamin hay Evaldo Goncalves. Kết thúc mùa giải, HAGL xếp thứ 9 - vị trí thấp nhất của đội bóng kể từ khi thi đấu tại V.League 1. Tuy nhiên, HAGL lại đón nhận điểm sáng trong mùa giải này khi các cầu thủ trẻ của họ đều là nòng cốt cho đội tuyển U23 tham dự SEA Games 26. Lứa cầu thủ trên hứa hẹn sẽ tạo dựng thành công mới cho đội bóng phố núi trong những mùa giải kế tiếp.
Sang đến mùa giải 2012, HAGL tiếp tục có sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo khi HLV Choi Yoon Gyum được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội bóng. Với phong cách chuyên nghiệp trong cả tập luyện và thi đấu, ông đã giúp đội bóng phố núi cán đích ở vị trí thứ 5 tại V.League 2012. Đây là một thành tích không tồi sau hai mùa giải chỉ đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng. Đến mùa giải tiếp theo, HAGL tiếp tục có sự khởi sắc khi xếp thứ 3 tại V.League 2013. Tuy nhiên, tại V.League 2014, đội bóng lại có sự trượt dốc không phanh khi đứng ở vị trí thứ 9 chung cuộc.
2.4 Giai đoạn từ 2015-2020: Kết thúc hợp đồng với Arsenal, thành tích đi xuống
Sau mùa giải 2014 đầy thất vọng, bầu Đức đã quyết định thực hiện cuộc thay máu toàn diện cho đội bóng. Hầu hết những cầu thủ trong đội đều bị bán và thay thế bằng lứa cầu thủ U19 của đội bóng, vốn được đào tạo từ học viện HAGL Arsenal-JMG với những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh hay Văn Toàn. Đây là lứa cầu thủ vừa mới đã tạo tiếng vang lớn ở những giải đấu U19 quốc gia và quốc tế thời điểm đó. Trên băng ghế chỉ đạo, đội bóng cũng bổ nhiệm ông Guillaume Graechen- HLV đội tuyển U19 quốc gia cho vai trò thuyền trưởng. Đối với cơ sở hạ tầng đội bóng, bầu Đức cũng sửa sang lại sân vận động, nâng cấp phòng đồ theo tiêu chuẩn châu Âu và đầu tư các thiết bị tập luyện hiện đại.
Lứa cầu thủ U19 của HAGL năm 2015
Mặc dù đã thực hiện một cuộc cách tân lớn, nhưng thành tích của HAGL kể từ mùa giải 2015 lại đi xuống một cách trầm trọng. Câu lạc bộ thường xuyên góp mặt trong nhóm đua trụ hạng và thậm chí còn được xem là đội phát điểm tại V.League. Mặc dù sở hữu lứa cầu thủ trẻ đầy kỹ thuật, nhưng họ lại tỏ ra non kinh nghiệm và không đáp ứng được nền tảng thể lực trong các trận đấu.
Đến năm 2017, sự hợp tác giữa HAGL và Arsenal chấm dứt, học viện HAGL Arsenal-JMG đầy tự hào của đội bóng phố nối cũng được đổi tên thành HAGL-JMG.
2.5 Mùa giải năm 2021: Gián đoạn do Covid-19
Bước sang V.League 2021, HAGL không nhận được nhiều kỳ vọng khi liên tục xếp ở nửa cuối bảng xếp hạng trong giai đoạn trước đó. Trước thềm mùa giải mới, đội bóng phố núi đã bổ nhiệm lại Kiatisuk làm HLV và gọi trở lại tiền đạo Nguyễn Công Phượng từ TP.HCM.
Sau sự khởi đầu mùa giải đầy thất vọng với trận thua tối thiểu trước Sài Gòn, HAGL đã gây ấn tượng mạnh mẽ với chuỗi 11 trận bất bại (9 thắng, 2 hoà) và đứng đầu bảng xếp hạng V.League 2021 sau 12 vòng đấu. Tuy nhiên, do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa giải năm đó đã phải tạm dừng và huỷ bỏ. Mặc dù không được công nhận chức vô địch, nhưng HAGL sẽ là đại diện của Việt Nam thi đấu tại AFC Champions League 2022 (cúp C1 châu Á).
2.6 Giai đoạn 2022-nay: Thi đấu không ấn tượng
Để duy trì phong độ như mùa giải trước, HAGL đã tiến hành gia hạn hợp đồng với những cái tên như Washington Brandão và Kim Dong-su, đồng thời bổ sung thêm một số ngoại binh như trung vệ Mauricio Barbosa và tiền đạo Jefferson Baiano.
Trong giai đoạn tiền mùa giải, HAGL đã có bước chạy đà hoàn hảo với chức vô địch giải giao hữu Cúp Hoàng đế Quang Trung. Tuy nhiên, khi kết thúc mùa giải 2022, đội bóng phố núi chỉ xếp thứ 6 chung cuộc. Tại vòng bảng AFC Champions League, HAGL đã thi đầu đầy cống hiến nhưng cũng chỉ xếp thứ 3 với 5 điểm và không được vào vòng 16 đội. Trong các mùa giải tiếp theo, đội bóng phố núi cũng không thi đấu ấn tượng và chỉ xếp ở nửa cuối bảng xếp hạng.
3. Sân vận động của Hoàng Anh Gia Lai
Kể từ khi thành lập, HAGL đã sử dụng sân vận động Pleiku làm sân nhà của đội bóng. Sân vận động này được xây dựng từ năm 1975 với sức chứa ban đầu khoảng 5000 khán giả. Sau đó, sân đấu được nâng cấp lên 10000 khán giả khi HAGL thăng hạng lên V.League 1 (2002). Đến năm 2008, với sự hợp tác cùng ArsenaL, bầu Đức đã cải tạo và nâng cấp sân Pleiku theo mô hình sân Emirates. Kể từ đó, sân Pleiku trở thành một trong những sân bóng hiện đại nhất Việt Nam với mặt cỏ, hệ thống mái che, hệ thống chiếu sáng, phòng thay đồ đạt tiêu chuẩn châu Âu. Sân bóng này cũng không có khu vực đường piste tương tự như hầu hết sân vận động trên thế giới.
4. Phong cách chơi bóng của đội bóng phố núi
HAGL thường mang đến một lối chơi đẹp mắt và hiệu quả. Trong giai đoạn mới lên chuyên nghiệp (2002-2005), đội bóng phố núi chơi tấn công trực diện với những ngoại binh chất lượng như Kiatisuk hay Chukiat Noosarung. Trong giai đoạn sau đó, đội bóng tiếp tục theo đuổi triết lý này khi liên tiếp ký hợp đồng với những cầu thủ chất lượng. Kể từ năm 2010, HAGL đã bắt đầu theo đuổi chính sách sử dụng các cầu thủ trẻ. Với nòng cốt là các cầu thủ từ lò đào tạo HAGL Arsenal-JMG, đội bóng phố núi thường triển khai lối chơi kiểm soát bóng dựa trên kỹ thuật và sự ăn ý từ các nhân. Đến khi Kiatisak trở lại làm HLV trưởng, lối chơi kiểm soát bóng của đội đã được được kết hợp với các chiến thuật hiện đại ngày nay như pressing tầm cao để tạo áp lực lên đối thủ.
5. Đội bóng kình địch
Trong những năm qua, CLB Hà Nội luôn được xem là kình địch lớn nhất của HAGL. Mặc dù không thường xuyên là đối trọng của nhau trong cuộc đua vô địch, nhưng cuộc đối đầu này luôn được xem là Siêu kinh điển của bóng đá Việt Nam do lượng cổ động viên đông đảo từ phía hai đội bóng. Sức nóng giữa Hà Nội và HAGL tiếp tục đẩy lên cao kể sau vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, khi mà nòng cốt tạo nên thành công của đội tuyển Việt Nam đến từ hai đội bóng này.
Ngoài sức nóng trên sân, sự cuồng nhiệt của từ các cổ động viên cũng góp phần tạo nên sức hút cho cặp đấu này. Thậm chí, pháo sáng đã trở thành một “đặc sản” trên khán đài mỗi khi hai đội bóng đối đầu. Bên cạnh đó, những trận đấu giữa Hà Nội và HAGL còn gây chú ý bởi hai ông bầu có tiếng tại Việt Nam. Trước giới truyền thống, bầu Đức thường xuyên đưa ra những lời mỉa mai được cho là nhắm vào sự thâu tóm giải đấu của bầu Hiển (ông chủ của CLB Hà Nội). Vào năm 2019, bầu Đức thậm chí còn gây sốc khi cho rằng đến cả Messi cũng không thể giúp các đội bóng ngăn cản thế lực của bầu Hiển.
6. Trang phục và logo đội bóng
Trang phục truyền thống của HAGL có màu vàng là chủ đạo và được in logo đội bóng và thương hiệu của nhà tài trợ. Đội bóng phố nối cũng thường xuyên lấy màu trắng và màu xanh lam cho các mẫu áo sân khách và mẫu áo thứ ba.
Trang phục truyền thống của HAGL lấy màu vàng làm chủ đạo
Kể từ khi lên chuyên nghiệp vào năm 2002, câu lạc bộ đã sử dụng logo tương tự như công ty mẹ (tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai). Biệt danh “đội bóng phố núi” cũng xuất phát từ đây khi mà trên logo thể hiện thiên nhiên đặc trưng của khu vực Pleiku. Đến năm 2006, logo của đội bóng được bổ sung thêm 2 ngôi sao, biểu thị cho 2 chức vô địch V.League 1 vào các năm 2003 và 2004.
7. Thành tích thi đấu
Mặc dù không đạt được nhiều thành tích đáng kể trong những năm gần đây, nhưng trong những năm đầu mới lên chuyên nghiệp, HAGL đã thể hiện sự thống trị với hai chức vô địch V.League 1 liên tiếp. Dưới đây là thành tích của đội bóng phố núi kể từ khi thành lập.
V.League 1
- Vô địch (2): 2003, 2004
- Hạng Ba (1): 2007
Cúp Quốc gia
- Á quân (1): 2010
- Hạng ba (3): 2005, 2011, 2014
Siêu cúp bóng đá Việt Nam
- Vô địch (2): 2003, 2004
Giải hạng nhất
- Hạng Ba (1): 2001/02
Cúp Hoàng Đế Quang Trung
- Vô địch (1): 2022
AFC Champions League
- Vòng bảng (3): 2004, 2005, 2022
AFF Champions League
- Hạng ba (1): 2005
- Tứ kết (1): 2003