Tổng quan Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel
Ngày đăng: 02/08/2024
- 1. Lịch sử hình thành
- 2. Lịch sử phát triển qua từng giai đoạn
- 2.1. Thời kỳ hoàng kim với 13 chức vô địch quốc gia (1955-1979)
- 2.2. Tiếp tục gặt hái thành công với những cầu thủ là nòng cốt của ĐTQG (1980-2000)
- 2.3. Giai đoạn chuyển sang chuyên nghiệp (2000-2004)
- 2.4. Giai đoạn thoái trào, thi đấu tại giải hạng Nhất (2005-2008)
- 2.5. Đi đến giải thể (2008-2012)
- 2.6. Thành lập lại với lứa cầu thủ trẻ (2012-2018)
- 2.7. Trở lại và giành chức vô địch V.League (2019-nay)
- 3. Phong cách chơi bóng
- 4. Hoạt động chuyển nhượng và đào tạo trẻ
- 5. Sân vận động
- 6. Đội bóng kình địch
- 7. Trang phục và logo đội bóng
- 8. Thành tích thi đấu
Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel (The Cong - Viettel Football Club) là một đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu tại Giải vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1). Họ là một trong những đội bóng thành công nhất trong giai đoạn mới hình thành giải đấu cấp độ Quốc gia của Việt Nam.
1. Lịch sử hình thành
CLB Thể Công - Viettel (thường được gọi ngắn gọn là Thể Công) được thành lập năm 1954 bởi Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ đầu, câu lạc bộ có tên gọi Đội bóng đá Thể Công. Tới năm 1977, đội bóng được đổi tên thành Đội bóng đá CLB Thể dục thể thao Quân đội. Đến năm 2005, đội bóng được chuyển quyền quản lý cho Viettel, từ đó được gọi là CLB Bóng đá Thể Công - Viettel.
Tuy nhiên, vào cuối mùa giải 2009, do quy đình từ Bộ Quốc phòng, Thể Công được đổi tên thành CLB Bóng đá Viettel. Phải đến mùa giải 2023/24, sau khi được trao lại phiên hiệu Thể Công, đội bóng mới được quay trở lại với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel như hiện tại.
2. Lịch sử phát triển qua từng giai đoạn
Ngày 23/9/1954, theo chỉ định của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đội bóng Thể Công được thành lập với thành phần là những cán bộ chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân. Đến ngày 25/10 cùng năm, trận ra quân của đội bóng đã được diễn ra với đội Trần Hưng Đạo có thành phần là những người lao động. Trong trận đấu này, Thể Công đã giành chiến thắng 1-0 với pha ghi bàn của tiền đạo Nguyễn Văn Bưởi.
2.1. Thời kỳ hoàng kim với 13 chức vô địch quốc gia (1955-1979)
Vào năm 1955, giải đấu bóng đá cấp độ quốc gia đầu tiên của Việt Nam đã được tổ chức tại Hải Phòng với tên gọi Giải Hoà Bình (Giải hạng A miền Bắc). Trong mùa giải đầu tiên, Thể Công đã giành chức vô địch và sau đó tiếp tục lên ngôi tại giải đấu năm sau (1956). Trong giai đoạn 1955-1979, Thể Công là đội thành công nhất của giải đấu khi giành tới 13 chức vô địch, trong đó nổi bật là thành tích vô địch 9 lần liên tiếp từ năm 1971 đến 1979.
Trong thời kỳ này, Thể Công không chỉ là một đội bóng mạnh ở Việt Nam mà còn tạo ra nhiều dấu ấn quốc tế với điểm nhấn là những trận thắng trước đội Bát Nhất (câu lạc bộ mạnh nhất Trung Quốc) và đội tuyển Cuba. Thành công của đội bóng trong giai đoạn này gắn liền với những cái tên như Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh), Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng. Đây đều là những cầu thủ xuất sắc hàng đầu Việt Nam và được trải qua đợt huấn luyện dài hạn ở Triều Tiên năm 1967.
2.2. Tiếp tục gặt hái thành công với những cầu thủ là nòng cốt của ĐTQG (1980-2000)
Năm 1980, Giải bóng đá A1 toàn quốc (tiền thân của Giải vô địch Quốc gia) đầu tiên đã được diễn ra sau mùa giải phân giải hạng năm 1979. Thời điểm này, Thể Công xin phép không tham dự giải đấu để giải quyết các vấn đề trong nội bộ. Sau khi quay trở lại vào năm 1981, đội bóng vẫn thể hiện sức mạnh tương tự như giai đoạn trước đó với chức vô địch ở các mùa giải 1981/82, 1982/83 và 1987.
Đến năm 1990, Thể Công là một trong những đội bóng giành quyền tham dự Giải các đội mạnh Toàn quốc sau khi về nhì tại Giải A1 năm 1989. Đội bóng tiếp tục gặt hái được thành công với chức vô địch ngay trong năm đầu tiên giải đấu tổ chức. Đây cũng là mùa giải đầu tiên mà cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn từ đội trẻ lên thi đấu cho đội 1 Thể Công.
Đội bóng đá Thể Công trong thời kỳ đầu
Trong những năm tiếp theo (1991-1997), Thể Công vẫn tham dự đầy đủ Giải các đội mạnh Toàn quốc, nhưng đội bóng lại không giành được thêm chức vô địch nào. Thành tích tốt nhất của Thể Công trong giai đoạn này là giành hạng 3 giải đấu vào các năm 1992 và 1993/94. Phải đến năm 1998, đội bóng mới giành thêm một chức vô địch sau khi giải đấu đổi tên thành Giải hạng Nhất Quốc gia từ năm 1997. Trong giai đoạn này, Thể Công là tập hợp bởi những cầu thủ nòng cốt của đội tuyển Quốc gia Việt Nam như Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam, Phạm Như Thuần hay Nguyễn Hồng Sơn.
Đến năm 1999, giải Hạng nhất tiếp tục diễn ra theo thông lệ nhưng ban tổ chức sẽ chọn ra 10 đội bóng xuất sắc nhất vào cuối mùa để thi đấu tại giải vô địch quốc gia với cơ chế chuyên nghiệp (V.League 1). Trong mùa giải này, Thể Công thi đấu không tốt và xếp thứ 10 chung cuộc, vị trí vừa đủ để tham dự V.League 1 vào năm sau.
2.3. Giai đoạn chuyển sang chuyên nghiệp (2000-2004)
Trong 3 mùa giải đầu tiên với cơ chế chuyên nghiệp, Thể Công thi đấu không mấy ấn tượng khi lần lượt xếp thứ 3 (2000/01), thứ 7 (2001/02) và thứ 6 (2003) chung cuộc. Điểm tích cực nhất của đội bóng là trước thềm mùa giải 2003, Bộ Quốc phòng đã ký hợp đồng tài trợ từ Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) để hướng đội bóng sang mô hình chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, thành tích của đội bóng vẫn không được cải thiện khi tại V.League 2004, Thể Công đã chính thức phải xuống hạng vào cuối mùa giải khi xếp thứ 11/12 chung cuộc. Đây cũng là mùa giải đánh dấu cột mốc 50 năm hoạt động của đội bóng. Thời điểm đó, một trong những nguyên nhân khiến Thể Công không duy trì được sự canh tranh là do chính sách không tuyển mộ ngoại binh, đi ngược lại với xu thế phổ biến của V.League.
2.4. Giai đoạn thoái trào, thi đấu tại giải hạng Nhất (2005-2008)
Sau khi xuống Giải hạng Nhất từ cuối mùa giải 2004, Thể Công tiếp tục cho thấy sự nhạt nhòa khi chỉ xếp thứ 6 và thứ 4 trong hai mùa bóng tiếp theo (2005 và 2006). Phải đến mùa giải 2008, đội bóng đã quyết định thay đổi chính sách với việc sử dụng các ngoại binh. Thành quả đến gần như ngay lập tức khi Thể Công giành chức vô địch Hạng Nhất mùa giải năm đó và lên chơi tại V.League mùa sau.
Cũng trong giai đoạn này, đội bóng đã có lần đầu tiên mang tên Câu lạc bộ Thể Công - Viettel như hiện tại do Bộ Quốc Phòng chuyển một phần quyền quản lý cho Công ty Viễn thông Quân đội. Lúc này, toàn bộ cơ sở vật chất và đặc biệt là lứa cầu thủ trẻ của Thể Công trước đó đều được sang nhượng cho Viettel. Từ đây, Trung tâm bóng đá Viettel đã được thành lập để tiếp nối những di sản từ bóng đá Quân đội. Cầu thủ ấn tượng nhất trưởng thành từ lò đào tạo trong thời gian này có thể kể đến Nguyễn Văn Quyết (Quả bóng vàng Việt Nam 2020 và 2022).
2.5. Đi đến giải thể (2008-2012)
Tháng 9/2009, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển toàn quyền quản lý đội bóng cho Viettel. Tuy nhiên, đơn vị này cũng không quá quan tâm đến quá trình chuyển giao này. Đến tháng 11 cùng năm, tập đoàn Viettel quyết định bán Thể Công cùng suất dự V.League 1 cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa với mức giá 80 tỷ đồng. Đây là cơ sở để hình thành nên Câu lạc bộ Lam Sơn Thanh Hoá (Đông Á Thanh Hoá) ngày nay.
Sau khi hoàn tất các thủ tục bàn giao Thể Công, tập đoàn Viettel giờ đây chỉ còn quản lý CLB bóng đá Viettel tại Giải hạng Nhất Quốc gia. Tuy nhiên, khi kết thúc mùa giải 2010, Viettel tiếp tục bán nốt suất dự Giải hạng Nhất cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (tiền thân của CLB Sài Gòn ngày nay).
2.6. Thành lập lại với lứa cầu thủ trẻ (2012-2018)
Sau khi giải thể hai câu lạc bộ tại V.League 1 và Giải Hạng Nhất, trung tâm bóng đá Viettel đã thành lập một đội bóng mới với nòng cốt là các cầu thủ trẻ để tham dự Giải hạng Ba Quốc gia. Ngay trong mùa giải đầu tiên, câu lạc bộ Viettel đã lên ngôi vô địch và giành quyền lên chơi giải hạng Nhì.
Trong 3 mùa bóng tiếp theo, CLB Viettel tiếp tục cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng khi góp mặt tại Giải hạng Nhất Quốc gia 2016. Trước đó, đội bóng đá giành quyền thăng hạng nhờ lên ngôi vô địch Giải hạng Nhì 2015. Trong mùa giải hạng Nhất đầu tiên, CLB Viettel đã thi đấu xuất sắc và giành vị trí thứ 2 chung cuộc. Tuy nhiên, đội bóng lại để thua đầy đáng tiếc trước Long An trong trận play-off thăng hạng. Phải đến mùa giải 2018, CLB Viettel mới giành chức vô địch hạng Nhất và giành quyền lên chơi tại V.League 1 mùa giải sau.
2.7. Trở lại và giành chức vô địch V.League (2019-nay)
Đến năm 2019, Viettel đã có lần đầu tiên được tham dự hạng đấu cao nhất cấp câu lạc bộ của Việt Nam. Trong mùa giải này, đội bóng chơi khá ổn định và xếp thứ 6 chung cuộc. Sang mùa giải tiếp theo, CLB Viettel đã thể hiện một phong độ ấn tượng và giành chức vô địch V.League 2020. Bên cạnh đó, đội bóng còn vào đến chung kết Cúp Quốc gia chỉ để thua sát nút 1-2 trước CLB Hà Nội.
CLB Thể công - Viettel vô địch V.League 2020
Trong những mùa giải tiếp theo, CLB Viettel thi đấu khá ổn định với những thành tích nổi bật như hạng 4 V.League 2022, hạng 3 V.League 2023 và vào đến chung kết Cúp Quốc gia 2023. Đáng chú ý, đội bóng còn vào đến bán kết AFC Cup 2022 và chỉ dừng bước trước loạt luân lưu trước Kuala Lumpur City. Đến ngày 21/11/2023, ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Viettel đã quyết định đổi tên đội bóng thành Câu lạc bộ bóng đá Thể Công - Viettel.
3. Phong cách chơi bóng
Kể từ khi trở lại V.League vào năm 2019, CLB Thể Công - Viettel luôn triển khai lối đá thực dụng. Các cầu thủ hướng tới sự chắc chắn bên phần sân nhà rồi mới bắt đầu triển khai các tình huống phản công nhanh. Lối chơi này đã giúp đội bóng giành được hàng loạt thành công trong thời gian qua với đỉnh cao là chức vô địch V.League 2020. Tại mùa giải năm đó, CLB Thể Công - Viettel chỉ ghi được 29 bàn thắng sau 20 trận đấu, ít nhất trong số 3 đội dẫn đầu và chỉ để thủng lưới 16 bàn (thấp nhất giải đấu).
Sang đến mùa giải 2023/24, lối chơi của đội bóng đã có sự thay đổi rõ rệt dưới sự dẫn dắt của tân HLV Nguyễn Đức Thắng. Các cầu thủ Thể Công-Viettel giờ đây đã trình diễn lối đá cống hiến và đẹp mắt hơn cho người hâm mộ với lối chơi kiểm soát và chuyền bóng ngắn. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa mang lại nhiều thành quả khi mà đội bóng chỉ đứng giữa bảng xếp hạng V.League 2023/24.
4. Hoạt động chuyển nhượng và đào tạo trẻ
Trong những năm đầu thành lập, CLB Thể Công - Viettel có thành phần chủ yếu là những sĩ quan quân đội và quân nhân chuyên nghiệp. Sau khi Giải vô địch Quốc gia chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp từ năm 2000, Thể Công là đội bóng duy nhất không tuyển mộ các ngoại binh như tất cả các đội tại V.League. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đội bóng thi đấu không tốt trong giai đoạn 2000-2007.
Kể từ khi thành lập lại vào năm 2012, đội bóng đã áp dụng chính sách sử dụng các cầu thủ trường thành từ lò đào tạo của đội bóng. Theo thống kê, Thể Công - Viettel là một trong những đội bóng hiếm hoi tại V.League tạo điều kiện cho những cầu thủ trẻ thi đấu, có thể kể đến những cái tên như Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thanh Bình hay trước đây là Nguyễn Hoàng Đức.
5. Sân vận động
Không giống như đa số các đội bóng tại V.League, sân nhà của CLB Thể Công-Viettel lại có sự thay đổi qua từng giai đoạn. Kể từ khi thành lập cho đến năm 1998, đội bóng sử dụng sân vận động Cột Cờ cho các trận đấu trên sân nhà. Đây là một sân bóng nhỏ nằm trong Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội và đã được dỡ bỏ ở thời điểm hiện tại.
Trong giai đoạn từ 1999-2004, CLB Thể Công - Viettel sử dụng Sân vận động Hàng Đẫy làm sân nhà. Tuy nhiên, kể từ khi phải xuống thi đấu tại Giải hạng Nhất trong giai đoạn 2005-2008, đội bóng lại chuyển sang sử dụng Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Sau khi đội bóng giải thể vào năm 2009, Thể Công - Viettel đã quay trở lại với Sân Hàng Đẫy vào năm 2012 sau khi được thành lập lại. Trước đó, Viettel cũng thường xuyên sử dụng sân Hàng Đẫy để tổ chức các trận đấu sân nhà cho các lứa cầu thủ trẻ. Hiện tại, ngoài Thể Công - Viettel, sân đấu này đang là sân nhà của 2 câu lạc bộ khác đang thi đấu tại V.League 1 là Công An Hà Nội và CLB Hà Nội.
6. Đội bóng kình địch
Các trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và câu lạc bộ Viettel luôn là một sự kiên đáng chờ đợi. Đây là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng cùng thành phố, được gọi là "Derby thủ đô". Trận đấu không chỉ mang ý nghĩa về điểm số mà còn là vè danh tiếng và lòng tự hào của hai đội bóng giàu tích nhất của thủ đô Việt Nam.
Trận Derby này quy tụ nhiều cầu thủ xuất sắc và là trụ cột của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Không những thế, trước đó hai đội còn tranh chấp về quyền sở hữu sân vận động Hàng Đẫy làm sân nhà của mình. Mỗi khi hai đội thi đấu đều có một khao khát và quyết tâm chiến đấu ở một phong độ cao nhất.
7. Trang phục và logo đội bóng
Từ trước đến nay, CLB Thể Công - Viettel thường sử dụng các mẫu áo đấu có màu đỏ hoặc màu trắng. Trong đó, trang phục truyền thống của CLB có màu đỏ là chủ đạo và được sử dụng cho các trận đấu trên sân nhà, còn trang phục màu trắng thường được đội bóng sử dụng trong các chuyến làm khách.
Trang phục truyền thống của Thể Công - Viettel lấy màu đỏ làm chủ đạo
Kể từ năm 1999, CLB Thể Công - Viettel thường đặt logo sao cho phù hợp với tên gọi hoặc theo nhà tài trợ của câu lạc bộ. Dưới đây là những logo mà câu lạc bộ đã sử dụng theo từng giai đoạn.
Logo của CLB Thể Công - Viettel qua từng thời kỳ
8. Thành tích thi đấu
Kể từ khi thành lập và phát triển, CLB Thể Công - Viettel đã giành được nhiều thành tựu đáng nể đặc biệt là ở các giải đấu quốc nội. Bên cạnh các giải đấu chuyên nghiệp, đội bóng còn đạt được nhiều thành công ở các hạng mục dành cho lứa cầu thủ trẻ. Dưới đây là những thành tích mà Thể Công - Viettel đã giành được xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển.
Danh hiệu Quốc gia
19 lần vô địch Giải bóng đá Vô địch Quốc gia. Trong đó:
Giải bóng đá hạng A miền Bắc
- Vô địch (10): 1955, 1956, 1958, 1969, 1971, 1972, 1973, 1974, 1975, 1975
- Á quân (1): 1957
Giải bóng đá Hồng Hà và Giải bóng đá hạng A Quốc gia
- Vô địch (3): 1977, 1978, 1979
Giải bóng đá Vô địch quốc gia Việt Nam
- Vô địch (6): 1981/82, 1982/83, 1987, 1990, 1998, 2020
- Á quân (3): 1984, 1986, 1989
- Hạng ba (5): 1985, 1992, 1993/94, 2000/01, 2023
Cúp Quốc gia Việt Nam
- Á quân (5): 1992, 2004, 2009, 2020, 2023
Siêu Cúp Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (1): 1999
- Á quân (1): 2020
Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc (môn bóng đá nam)
- Vô địch (1): 2002
Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (2): 2007, 2018
Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (1): 2015
- Á quân (1): 2009
Giải bóng đá hạng Ba Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (3): 2008, 2012, 2015
Danh hiệu quốc tế
Giải bóng đá Quân đội các nước ASEAN
- Vô địch (1): 2004
- Á quân (1): 1999
Giải bóng đá lực lượng vũ trang các nước Xã hội chủ nghĩa
- Hạng ba (1): 1989
Danh hiệu được Nhà nước trao tặng
- Huân chương Chiến công hạng Nhất
- Huân chương Chiến công hạng Nhì
- Huân chương Quân công hạng Ba
Thành tích các lứa trẻ
Giải bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc
- Á quân (1): 2010
Giải bóng đá Thiếu niên (U13) toàn quốc
- Vô địch (3): 2011, 2015, 2016
- Á quân (3): 2012, 2013, 2017
- Hạng ba (1): 2014
Giải bóng đá U15 Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (1): 2015
- Á quân (4): 2002, 2013, 2017, 2018
- Hạng ba (3): 2014, 2019, 2023
Giải bóng đá U17 Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (2): 2018, 2023
- Á quân (2): 2015, 2017
- Hạng ba (5): 2005, 2011, 2014, 2016, 2019
Giải bóng đá U19 Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (3): 1998, 2002, 2009
- Á quân (4): 1997, 2016, 2022, 2024
- Hạng ba (3): 2014, 2017, 2018
Giải bóng đá U21 Quốc gia Việt Nam
- Vô địch (4): 1997, 1998, 1999, 2020
- Á quân (1): 2017
- Hạng ba (3): 2005, 2018, 2022
Giải giao hữu
Cúp bóng đá các đội hạng Nhất Quốc gia
- Hạng ba (1): 1998
Giải bóng đá giao hữu Tứ hùng Hana Play Cup
- Á quân (1): 2024