Tiền vệ trụ là gì? Tại sao tiền vệ trụ được coi là vị trí quan trọng nhất trên sân?
Ngày đăng: 21/06/2024
Tiền vệ trụ là vị trí quan trọng trong một đội hình. Chúng không chỉ giúp các tiền đạo có thêm cơ hội ghi bàn mà còn giúp các hậu vệ phòng ngự tốt hơn. Vậy tiền vệ trụ là gì? Nhiệm vụ trên sân của họ như thế nào? Hãy cùng Chaolua.TV tìm hiểu nội dung trong bài viết sau nhé.
1. Tiền vệ trụ là gì ?
Tiền vệ phòng trụ hay còn gọi là tiền vệ phòng ngự (tiếng Anh: Defensive Midfield) là vị trí chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ, ngay phía trên hàng thủ. Những tiền vệ trụ hiện nay rất đa năng, nhưng nhiệm vụ chính của họ vẫn là hỗ trợ phòng ngự.
Tiền vệ trụ là vị trí được hình thành trong bóng đá hiện đại. Nó được xem là “sự tiến hóa” của vị trí hậu vệ quét. Tiền vệ trụ thường không hiện diện nổi bật trên sân nhưng lại cực kỳ quan trọng trong các trận đấu. Đây là một vị trí mang tính chuyên nghiệp cao, đòi hỏi cầu thủ phải có những bộ kỹ năng và tố chất riêng biệt.
2. Nhiệm vụ chính của tiền vệ trụ
Với một tiền vệ trụ, nhiệm vụ chính là bảo vệ cho hàng thủ từ xa bằng cách áp sát nhanh những cầu thủ tấn công và hỗ trợ cho những tiền vệ tấn công tổ chức tấn công. Thông thường, với một đội bóng có xu hướng kiểm soát thế trận, tiền vệ trụ sẽ đóng vai trò của một người cầm trịch, giữ bóng để hàng thủ và hàng công chỉnh đốn lại đội hình sau khi bị đối phương ép sân và tái cấu trúc lại cho việc triển khai thế trận.
Từ đây, chúng ta có thể chia ra tiền vệ trụ với hai vai trò chính, đó là thuần phòng ngự và hỗ trợ. Một tiền vệ trụ có xu hướng thuần thủ, họ sẽ giữ vị trí ở giữa hàng tiền vệ và hàng thủ và giành lại quyền kiểm soát bóng từ vị trí thấp nhất. Trong khi đó, với những tiền vệ trụ có thiên hướng hỗ trợ tấn công, họ sẽ vừa đảm nhận công việc phòng ngự vừa dâng cao để hỗ trợ triển khai cùng với những tiền vệ trung tâm và hai hậu vệ cánh.
Kante là một tiền vệ trụ từng được ví như "người không phổi" thời điểm anh thi đấu cho Chelsea
3. Phẩm chất cần có của một tiền vệ phòng ngự?
Tố chất cần thiết nhất của một tiền vệ phòng ngự là khả năng phán đoán, ví dụ thể hiện rõ nhất điều này là ở Sergio Busquets. Thời kỳ đỉnh cao, ngôi sao người Tây Ban Nha thường không di chuyển quá nhiều, nhưng vẫn mang lại hiệu quả tuyệt đối do khả năng phán đoán tuyệt vời, anh luôn đi trước đối phương một bước để thực hiện những pha cắt bóng chính xác. Busquets không phải mẫu tiền vệ thiên về sức mạnh, nhưng khả năng phán đoán và gây sức ép lên đối phương vẫn giúp anh trở thành một trong những tiền vệ phòng ngự tốt nhất châu Âu trong nhiều năm liền.
Một yếu tố cũng rất cần thiết ở một tiền vệ phòng ngự là nền tảng thể lực và sức bền. Yếu tố này được thể hiện rõ nhất ở N'Golo Kante. Ngôi sao người Pháp luôn là một trong những người di chuyển nhiều nhất trên sân, anh có thể hoạt động suốt 90 phút mà không biết mệt mỏi. Kante xuất hiện ở mọi điểm nóng, tham gia vào các tình huống tranh chấp. Không chỉ có thể lực, sức bền, cầu thủ sinh năm 1991 còn phán đoán tốt. Điều này giúp anh là trụ cột của Leicester, Chelsea và đội tuyển Pháp trong nhiều năm liền.
Không mạnh về thể lực nhưng óc phán đoán tuyệt vời mới là vũ khí nguy hiểm nhất của Busquet
Trong bóng đá hiện đại, nhiều HLV khắt khe thậm chí còn yêu cầu tiền vệ trụ phải thật đa năng và toàn diện. Họ vừa biết hỗ trợ phòng ngự, tham gia vào việc phân phối bóng, biết điều tiết nhịp độ trận đấu, cũng như kiến tạo và ghi bàn. Nổi bật nhất hiện tại là Rodri của Manchester City. Ngôi sao người Tây Ban Nha sở hữu thể hình, thể lực, sức mạnh, sức bền, khả năng tranh chấp và phán đoán tốt. Không những vậy Rodri còn có khả năng sút xa tuyệt vời. Chính cầu thủ sinh năm 1996 này là người ghi bàn thắng duy nhất giúp “Man Xanh” đánh bại Inter Milan 1-0 ở trận Chung kết Champions League 2022/23.
4. Tiền vệ phòng ngự có vai trò gì trong sơ đồ chiến thuật 4-4-2 và 4-3-3?
Ở sơ đồ 4-4-2 cổ điển, cần phải có 2 tiền vệ trung tâm, đều biết cách đóng góp vào vai trò phòng ngự. Dù từng không được coi trọng trong quá khứ, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, tiền vệ trụ là một vị trí khá “hot”. Sự nổi lên của các hậu vệ cánh dâng cao tấn công, nhất là ở các đội hàng đầu châu Âu, đòi hỏi những HLV phải có một đến hai cầu thủ bao quát các khoảng trống mà những hậu vệ cánh này để lộ ra phía sau. Ở bóng đá hiện đại, rất nhiều đội tấn công với cả 2 hậu vệ cánh: Barcelona với Dani Alves và Jordi Alba, Real Madrid với Dani Carvajal và Marcelo... Không có tiền vệ trụ, các đội bóng đó sẽ rất dễ tổn thương từ những pha phản công.
Sơ đồ 4-4-2 của Real Madrid trong trân đấu với Valladolid năm 2019
Ở đội hình 4-3-3 thường được sử dụng bởi Carlo Ancelotti hay Jose Mourinho, sự xuất hiện của một tiền vệ trụ chuyên trách, lùi sâu, tranh cướp và cản phá, giúp tuyến giữa đội nhà có ưu thế về chất lượng so với đối phương. Đến nay, nhiều chuyên gia vẫn nhận định Arsenal dưới thời Arsene Wenger thiếu một tiền vệ trụ phòng ngự đẳng cấp để đưa đội bóng chạm tay vào những danh hiệu. Mathieu Flamini từng là người chơi tốt nhất ở vị trị tiền vệ trụ trong sơ đồ của Wenger, nhưng cầu thủ người Pháp lại không ở đỉnh cao phong độ khi cập bến Arsenal. Không ít lần những Aaron Ramsey, Mikel Arteta và Jack Wilshere được thử thách vị trí này nhưng không thể đảm nhiệm vì họ thiếu các tố chất phù hợp.
5. Tiền vệ trụ: Kẻ “giết chết” những số 10 cổ điển
Từng có thời kỳ, số 10 cổ điển từng là vị trí biểu tượng của nhiều danh thủ như Roberto Baggio, Zinedine Zidane, Diego Maradona, Juan Roman Riquelme, Michel Platini, Guti hay Mesut Ozil. Những cầu thủ này đều giàu sáng tạo, nhưng bị cho là không đủ thể lực để thích nghi với bóng đá hiện đại. Số 10 cổ điển vì thế cũng dần mất chỗ đứng. Vậy ai đã làm cho số 10 cổ điển gần như “tuyệt chủng”? Đó chính là những tiền vệ trụ.
Số 10 cổ điển là những người có thể đảm nhận một lúc cả hai vai trò kiến tạo và dẫn dắt lối chơi. Họ có một tầm quan sát tuyệt vời cùng với kỹ năng chuyền bóng thượng thừa, những cầu thủ chủ công dạng này thường di chuyển liên tục ở khu vực một phần ba cuối sân, phối hợp với các đồng đội của mình và luôn tìm cách đột nhập vào vòng cấm mỗi khi có cơ hội. Chính vì thế, vai trò của những số 10 trong quá khứ, đặc biệt quan trọng trong cách vận hành lối chơi của mỗi đội bóng và việc tìm cách khắc chế họ là mấu chốt để giành chiến thắng trong từng trận đấu.
Claude Makelele - "Kẻ giết chết những số 10 cổ điển"
Như một lẽ tất yếu, vị trí tiền vệ trụ là gì được ra đời để đóng vai trò bóp nghẹt khả năng tấn công từ xa của đối phương. Makelele được xem là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của vị trí tiền vệ trụ. Với lối chơi xông xáo, không ngại va chạm đã giúp Makelele cản được những pha tấn công của đối phương. Hầu như anh rất hiếm khi đặt chân sang phần sân của đối phương bởi Makelele luôn đảm bảo sự chắc chắn tuyệt đối trước mặt hàng thủ. Dù là một tiền vệ nhỏ con nhưng sức càn quét khu trung tuyến của Makelele là điều không phải bàn với khả năng đoạt bóng. Chính vì lẽ đó, người ta đặt biệt danh cho anh là “Kẻ giết chết những số 10 cổ điển”.
Tại sao đến nay tiền vệ trụ vẫn chưa được đánh giá đúng về vai trò?
Trong giai đoạn hiện nay, với sự lên ngôi của sơ đồ 4-2-3-1, các huấn luyện viên ưu tiên sử dụng đến hai tiền vệ ở khu vực giữa sân. Chúng ta thường gọi họ là double pivot trong đó, một tiền vệ đảm nhận vai trò thuần thủ, còn người còn lại có khả năng tấn công toàn diện. Cả hai sẽ hỗ trợ và bù đắp khuyết điểm cho nhau để tạo nên một hệ thống chiến thuật cân bằng và linh hoạt.
Có thể thấy những tiền về trụ luôn bị đánh giá thấp bởi họ không có đóng góp trực tiếp quá nhiều vào sản phẩm đầu ra như bàn thắng hay kiến tạo. Các tiền vệ trụ cũng chẳng thi đấu quá hoa mỹ nên vô hình chung họ bị đánh giá thấp từ người hâm mộ. Nhưng dù có chơi bóng khô khan, phá vỡ thứ bóng đá hoa mỹ đó như thế nào, vai trò của tiền vệ trụ trong một đội hình là không thể phủ nhận. Đó chính là chiếc chìa khóa, là mấu chốt để quyết định trực tiếp đến kết quả một trận đấu.
Những tiền vệ trụ bản thân họ khi quyết định thi đấu tại vị trí này đã chấp nhận bản thân sẽ không nổi bật, nhưng ở họ, kết quả chung cuộc mới là thứ đặt lên hàng đầu.