FIFA là gì? Tìm hiểu về lịch sử, vai trò và hệ thống giải đấu của FIFA trong bóng đá
Ngày đăng: 26/06/2024
FIFA là cái tên quen thuộc, thường được đề cập đến rất nhiều trong các giải bóng đá. Đây là một tổ chức đóng vai trò rất quan trọng trong mọi vấn đề của môn thể thao vua
1. FIFA là gì?
FIFA (hay còn được gọi là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế, tên đầy đủ là Fédération Internationale de Football Association) là tổ chức quản lý bóng đá toàn cầu, chịu trách nhiệm tổ chức các giải bóng đá cấp độ quốc tế như World Cup (Cup bóng đá thế giới), có trụ sở tại thành phố Zürich của Thuỵ Sỹ.
1.1 Lịch sử ra đời
FIFA được ra đời trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá các nước tại châu Âu muốn thành lập một cơ quan bóng đá có quy mô quốc tế để tổ chức các giải đấu. Điều này được bắt đầu từ năm 1902, ông Hirschman – Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Lan thời điểm đó đã gặp Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Anh, ông Frederick Wall để đề nghị thiết lập một giải đấu quốc tế và thành lập một cơ quan bóng đá có quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, ý kiến này đã không được tán thành và bị từ chối bởi nhiều thành viên trong liên đoàn bóng đá Anh.
Với mong muốn thành lập một tổ chức bóng đá quốc tế, ông Hirschman và nhà báo Robert Guerin cùng Thư ký bộ phận bóng đá của Hiệp hội các môn thể thao Pháp (USFSA) đã tiếp tục gửi lời đề nghị đến các liên đoàn bóng đá khác tại lục địa già. Lần này, những nỗ lực của họ đã được đền đáp khi nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.
Đến ngày 21 tháng 5 năm 1904, thoả ước thành lập tổ chức bóng đá chung chính thức được thông qua tại trụ sở của Hiệp hội các môn thể thao Pháp với 7 liên đoàn: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Thụy Điển. Tại thời điểm này, nhà báo Robert Guerin đã được bầu làm người điều hành và trở thành chủ tịch đầu tiên của FIFA.
1.2 Cơ cấu của FIFA
Cơ cấu tổ chức chính của FIFA gồm có: Đại hội FIFA, Hội đồng FIFA, Ban Chủ tịch FIFA và Tổng thư ký FIFA.
- Đại hội FIFA: Đây là cuộc họp lớn nhất diễn ra hàng năm, để đưa ra các quyết định quan trọng.
- Hội đồng FIFA: Cơ quan quản lý cao nhất của FIFA, chịu trách nhiệm quyết định và đề xuất các chính sách, quy định và quyết định lớn trong tổ chức.
- Ban chủ tịch: Là bộ phận điều hành của FIFA, thực hiện các quyết định của Hội đồng FIFA và Đại hội FIFA.
- Tổng thư ký FIFA: Là người đứng đầu về mặt quản lý hành chính của FIFA, chịu trách nhiệm cho việc triển khai chính sách và quyết định của tổ chức.
2. Chủ tịch FIFA là ai ?
Chủ tịch FIFA đương nhiệm là ông Gianni Infantino được bầu vào năm 2016. Ông từng là Tổng thư ký UEFA 2009 - 2016. Liên đoàn Bóng đá Quốc tế đã trải qua 9 đời chủ tịch khác nhau cho đến hiện tại. Cụ thể:
- 1904 – 1906: Robert Guerin
- 1906 – 1918: Daniel Burley Woolfall
- 1918 – 1921: Không lựa chọn do chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra.
- 1921 – 1954: Jules Rimet
- 1954 – 1955: Rodolphe William Seeldrayers
- 1955 – 1961: Arthur Drewry
- 1961 – 1974: Sir Stanley Ford Rous
- 1974 – 1998: João Havelange
Chủ tịch đương nhiệm của FIFA - Gianni Infantino
3. FIFA có những liên đoàn bóng đá nào ?
FIFA có 6 liên đoàn châu lục, trong đó mỗi quốc gia thuộc một liên đoàn châu lục được gọi là quốc gia thành viên của FIFA. Các liên đoàn châu lục trực thuộc FIFA gồm có:
- AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á; 46 quốc gia thành viên)
- UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu; 53 quốc gia thành viên)
- CONMEBOL (Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ; 10 quốc gia thành viên)
- CAF (Liên đoàn bóng đá châu Phi; 54 quốc gia thành viên)
- CONCACAF (Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe; 41 quốc gia thành viên)
- OFC (Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương; 11 quốc gia thành viên)
4. FIFA có vai trò và trách nhiệm gì trong bóng đá?
FIFA đóng vai trò rất quan trọng trong mọi vấn đề của bóng đá. Do đó, vai trò và trách nhiệm của FIFA trong việc phát triển và quản lý môn thể thao này trên toàn thế giới cũng rất đa dạng. Sau đây sẽ những vai trò và trách nhiệm chính của FIFA:
- Xây dựng và ban hành luật thi đấu chính thức: FIFA có trách nhiệm xây dựng và duy trì Luật Thi Đấu của bóng đá trên phạm vi toàn cầu.
- Quản lý và hỗ trợ các liên đoàn bóng đá thành viên: Quản lý và giám sát hoạt động của các liên đoàn bóng đá thành viên trên toàn cầu, bao gồm việc xem xét và phê duyệt các quy tắc và quy định của liên đoàn, cũng như giám sát các cuộc bầu cử và quản lý tài chính của họ.
- Tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, bao gồm World Cup và các giải khác: FIFA chịu trách nhiệm về việc chọn địa điểm, lên lịch trình và tổ chức mọi khía cạnh của giải đấu từ vòng loại đến trận chung kết.
- Nâng cao nhận thức về bóng đá và phát triển bóng đá trẻ: FIFA thúc đẩy việc phát triển bóng đá trẻ bằng cách tổ chức các giải đấu lớn như U20 và U17 World Cup.
- Chống phân biệt chủng tộc và bạo lực trong bóng đá: Đưa ra các quy định và chính sách để ngăn chặn các hành vi phân biệt chủng tộc trong trận đấu, cấm sử dụng ngôn ngữ kỳ thị và đảm bảo sự an toàn cho cầu thủ và người hâm mộ.
5. Hệ thống giải đấu của FIFA gồm những gì?
Hiện tại, FIFA đang quản lý và tổ chức nhiều giải đấu lớn và hấp dẫn dành cho đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ bóng đá trên toàn thế giới. Dưới đây là một số hệ thống giải đấu chính do FIFA tổ chức:
- Giải vô địch Bóng đá Thế giới (FIFA World Cup): Là giải đấu bóng đá quốc tế lớn nhất, được tổ chức 4 năm 1 lần cho các đội tuyển bóng đá quốc gia thuộc liên đoàn thành viên của FIFA từ khắp nơi trên thế giới tham dự.
- Giải vô địch Bóng đá nữ Thế giới (FIFA Women's World Cup): Giải đấu tương tự như World Cup nhưng dành cho nữ giới và được tổ chức 4 năm 1 lần.
- FIFA U-20 World Cup và FIFA U-17 World Cup: Là giải đấu dành cho các đội tuyển với các cầu thủ trẻ dưới 20 tuổi và dưới 17 tuổi, được tổ chức 2 năm 1 lần.
- FIFA Club World Cup: Giải đấu dành cho các câu lạc bộ bóng đá từ mọi nơi trên thế giới. Các đội vô địch của từng khu vực sẽ cạnh tranh để giành danh hiệu Club World Cup.
- Các giải vô địch Bóng đá khu vực (Continental Championships): Là giải đấu dành cho các đội tuyển quốc gia ở các châu lục (UEFA Euro, Copa America, Asian Cup,...)
6. Tầm ảnh hưởng của FIFA và ý nghĩa của giải đấu World Cup
Sau lần đầu tiên vào năm 1930, Giải vô địch Bóng đá Thế giới (FIFA World Cup) được tổ chức với chu kỳ 4 năm 1 lần và trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Giải đấu được mở rộng thành 24 đội vào năm 1982 và sau đó tăng lên 32 đội vào năm 1998. Đến năm 2026, FIFA World Cup sẽ có sự góp mặt của 48 đội tuyển.
Đây là một cơ hội để các quốc gia thể hiện tinh thần thể thao và sự đoàn kết, không chỉ trong thời gian trận đấu diễn ra mà còn trong các hoạt động xã hội và văn hóa xung quanh sự kiện. Giải đấu này còn giúp giảm căng thẳng chính trị và tạo ra cơ hội giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.
World Cup không chỉ là cơ hội để các cầu thủ tài năng của một quốc gia thể hiện khả năng của mình mà còn là dịp để toàn bộ người dân gắn kết và tự hào về đội tuyển quốc gia. Việc xuất hiện và thi đấu tại World Cup là một vinh dự lớn và tạo ra niềm tự hào mạnh mẽ cho người dân.